Suốt 49 năm qua, ông Phan Văn Sử (còn gọi là Út Sử, 72 tuổi, ngụ tại xã Hòa Hội, H.Châu Thành, Tây Ninh) vẫn miệt mài đi tìm người đồng đội từng cứu mình ngày nào.
Sự sống mong manh
Tại quán nước ven đường, ông Út Sử kể cho chúng tôi nghe về trận đánh sinh tử ngày nào. Vào ngày 23.3.1963, lúc này đơn vị B14 (hoạt động tại xã Thanh An, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) giao nhiệm vụ cho Chín Phước (tức Trần Văn Phước, làm đội trưởng, người địa phương), Út Sử và Út Học tìm cách tiêu diệt Đồn trưởng đồn Thanh An. Út Sử kể: “Thường lệ, cứ khoảng 4 giờ chiều, tên đồn trưởng thường vào nhà dân chọc ghẹo một cô thợ may tên Hở. Chúng tôi phục kích phía ngoài nhưng bị lộ. Một trung đội được huy động đến bao vây. Loạt đạn đầu tiên khiến tôi bị thương ở chân, nhưng vẫn cùng Chín Phước sát cánh chiến đấu. Chín Phước vừa bắn yểm trợ kẻ địch vừa dìu tôi chạy ra cách đồng trống. Nhiều loạt đạn lại tuôn ra khiến tôi trúng thêm viên đạn thứ 2 vào vai”.
|
Chạy ra được bìa rạch, biết mình đã bị thương và nghĩ rằng phải hy sinh, nên Út Sử cầm khẩu súng (đã hết đạn) đưa cho Chín Phước và giục: “Chạy ngay đi. Tôi không sống được đâu, đồng chí ráng mà mang súng đem về trả đơn vị giúp, đừng bận tâm cho tôi”. Khi Chín Phước vừa khuất dạng thì lập tức lính đồn ập đến túm lấy cổ Út Sử vật xuống đất. Sẵn nước rạch lên đầy, Út Sử xô tên cảnh sát đang nắm mình rồi lao xuống nước.
|
Đến giữa khuya, Út Sử bơi được qua bờ bên kia nhưng toàn thân lạnh ngắt, đĩa đeo đầy người. Ông cố bò đi được 200m nữa thì ngất xỉu. Khoảng 2 giờ sáng, ông tỉnh dậy thì phát hiện Chín Phước cùng 2 đồng đội bắt đĩa và cáng mình đến bệnh viện dân y cấp cứu. “Chín Phước khiêng tôi trên cáng hàng chục km ngay trong đêm, tình đồng đội như vậy đến chết tôi cũng không thể nào quên”, Út Sử kể.
Được sống lại và nhiều lần chuyển đơn vị, Út Sử đã không còn dịp gặp lại Chín Phước, nhưng thường xuyên hỏi thăm về đồng đội. Ngày hòa bình lập lại, Út Sử vẫn lang thang nhiều nơi, đi tìm Chín Phước, quê ở Thanh An (H.Dầu Tiếng)
Nước mắt đồng đội
Bây giờ, Út Sử đã ngoài 70, con cái giờ đã trưởng thành nhưng có một chuyện khiến ông canh cánh trong lòng suốt 49 năm qua: “Người đồng đội đã có ơn cứu sống mình khi xưa giờ không biết còn hay đã mất?”. Ông Sử nghĩ: “Nếu còn sống thì Chín Phước cũng sẽ về Thanh An”. Thế là suốt 49 năm qua, mỗi lần có dịp đặt chân đến Bình Dương thì ông lại dành chút thời gian ghé về khu chiến trường xưa và dò hỏi thông tin của người đồng đội. Ông không nhớ mình đã ngồi bao nhiêu quán nước ở khu vực này, nhưng vẫn không có tung tích về bạn.
Vào một ngày tháng 3.2012, như những lần tìm kiếm trước đó, ông vào một quán nước nhỏ ven đường ở ấp Bến Tranh, xã Thanh An và bất ngờ một cái tên Phước vô tình thốt lên ở gần bàn bên khiến ông linh tính đó là bạn mình. Và rồi hai cái tên Chín Phước, Út Sử nhận ra nhau. Niềm vui chợt vỡ òa, không một lời nào nói được, 2 người đồng đội ôm chầm lấy nhau rồi khóc nức nở giữa quán đông người.
“Sau khi Út Sử giục tôi thoát khỏi vòng vây địch, lòng tôi rất đau vì nghĩ rằng người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Lúc này tôi cũng kiệt sức, nhưng may mắn, được một em giúp đỡ, mang khẩu súng về đưa cho đơn vị Út Sử. Sau đó, tôi quay lại nơi chiến đấu tìm xác Sử về chôn cất. Nhưng khi đến bờ sông thì phát hiện Út Sử vẫn còn sống”, Chín Phước (nay đã 69 tuổi) xúc động kể lại.
Cũng như Út Sử, Chín Phước nói: “Nhiều lần tôi cũng hỏi thăm, nhưng không có tăm hơi gì về Út Sử. Tôi cũng không thể tin được người đồng đội từng chiến đấu chung ngày ấy vẫn tìm kiếm thông tin về tôi suốt 49 năm qua”. Chàng thanh niên Chín Phước ngày xưa hiện đang là Ủy viên Thường vụ Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt H.Dầu Tiếng (Bình Dương) và Chi Hội phó Chi Hội cựu chiến binh ấp Bến Tranh, xã Thanh An.
Tháng 8.2012 vừa qua, cái tên Út Sử lần đầu tiên được bổ sung vào buổi họp mặt chiến sĩ cách mạng ngay tại nhà Chín Phước.
Giang Phương
>> Tặng nhà Nghĩa tình đồng đội
>> Nghĩa tình đồng đội
>> Chủ động đối phó với thời tiết nguy hiểm trên biển
Bình luận (0)