5 bệnh nhân tử vong trong lúc chạy thận

29/05/2017 18:59 GMT+7

Trong khi đang chạy thận nhân tạo, 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ có biểu hiện như sốc phản vệ, trong đó có 5 người đã tử vong.

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 29.5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin này và Bộ trưởng Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bộ Y tế lên Hòa Bình ngay trong chiều nay, 29.5, để tìm hiểu sự việc. Đoàn công tác do PGS - TS Lương Ngọc Khuê làm Trưởng đoàn.
Về sự việc đáng tiếc này, bác sĩ Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết đang chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tích cực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân. Hiện đã có 4 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai lên phối hợp xử lý vụ việc, trong đó có 1 bác sĩ khoa Thận nhân tạo, 1 kỹ thuật viên, 1 bác sĩ chống độc và 1 bác sĩ dị ứng.

tin liên quan

Suy thận, cuộc đời lận đận
Thầy thuốc “phong” suy thận là “tên giết người thầm lặng” vì những tác hại khủng khiếp của nó với sức khỏe con người.
Bác sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết sáng 29.5, có 18 bệnh nhân của Khoa Thận nhân tạo đến Bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Khoảng 30 - 40 phút sau khi lọc máu, các bệnh nhân có các dấu hiệu sốc phản vệ (rét run, xỉu...), các bác sĩ đã dừng và chuyển sang cấp cứu. Đến 16 giờ cùng ngày, đã có 5 trường hợp bệnh nhân tử vong sau ca sốc phản vệ.
Theo bác sĩ Dương, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây sự cố. “18 bệnh nhân này đều là bệnh nhân suy thận mạn, có bệnh nhân đã gắn bó với khoa thận nhân tạo nhiều năm. Đây là tai nạn hi hữu vô cùng đau xót!”, bác sĩ Dương nói.
Bác sĩ Dương cũng cho hay, Bệnh viện đã hỗ trợ và đưa bệnh nhân tử vong về nhà, các bệnh nhân còn lại đang được cấp cứu, hiện đã ổn định.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trong y văn đã từng ghi nhận những trường hợp sốc phản vệ trong lúc chạy thận nhân tạo, nhưng với số lượng lớn như thế này thì chưa từng ghi nhận. Theo TS Dũng, việc tìm nguyên nhân khá phức tạp, trong đó sẽ phải khẩn trương xét nghiệm nguồn nước hay kiểm tra dịch truyền có phù hợp hay không, cũng như các nguyên nhân liên quan khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.