5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành không vi phạm quy định của nhà nước

15/04/2017 06:25 GMT+7

Hội Nhạc sĩ VN đã có công văn gửi Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, trong đó đưa ra nhận định về 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng lưu hành.

Ngày 12.4, Hội Nhạc sĩ VN đã có công văn gửi Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, trong đó đưa ra ý kiến nhận định về 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu tạm dừng lưu hành, đồng thời đưa ra đề xuất liên quan đến việc thẩm định ca khúc sáng tác trước năm 1975.
Theo công văn, “sau khi đối chiếu với điều 3 của Quyết định số 47/2004/QĐ- BVHTT các hành vi bị nghiêm cấm và điều 6 của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP những quy định cấm, Hội Nhạc sĩ VN nhận thấy 5 ca khúc (Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú) không vi phạm những quy định mà nhà nước đã đề ra và trên thực tế cả 5 bài hát đã được cấp phép biểu diễn. Sau khi thẩm định bản nhạc gốc của 4 tác giả (riêng bài Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương chỉ có lời ca, không có bản nhạc), Hội Nhạc sĩ VN nhận thấy: về nội dung các bài hát này không có vấn đề gì, âm nhạc và ca từ theo dòng nhạc phổ biến lúc bấy giờ tại các đô thị miền Nam, dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc.
Hội Nhạc sĩ VN cho rằng trong trường hợp tổ chức, cá nhân không xin phép tác giả và không được tác giả đồng ý sửa lời thì coi như là vi phạm luật Sở hữu trí tuệ. Với hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan thì cơ quan chức năng nên xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cụ thể. Hội đề xuất đơn vị có thẩm quyền cấp phép cần phối hợp với Trung tâm bản quyền và tác giả âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN để làm hồ sơ đối chiếu với những dị bản phát sinh. Ngoài ra, hội cũng đề xuất việc xét, thẩm định các bài hát trước 1975 cần có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn âm nhạc là Hội Nhạc sĩ VN và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, có thể tham khảo ý kiến của tác giả hoặc đại diện của cố tác giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.