Nhiều người nghĩ rằng chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) là yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của con người, nhưng thực tế chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient) cũng không kém phần quan trọng, nhất là trong xã hội ngày nay.
Nicole Barr, cô bé có chỉ số IQ cao hơn nhà khoa học Albert Einstein - Ảnh chụp màn hình Yahoo |
Dưới đây là 5 cách có thể giúp bạn phát triển EQ của bản thân, theo tổng hợp trên trang About.
Viết nhật ký
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc viết nhật ký giúp chúng ta có thể tự nhận thức về tâm trạng và hành vi của chính mình. Bằng cách viết lại những gì đã diễn ra mỗi ngày, bạn sẽ có cơ hội để hiểu lý do tại sao sự việc lại xảy ra như vậy, làm thế nào nó ảnh hưởng đến bản thân mình. Kiên nhẫn duy trì việc này thường xuyên sẽ giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc, có thêm kinh nghiệm sống để tự tin hơn.
Đọc sách văn học
Một trong những giá trị của việc đọc sách văn học, đặc biệt là văn học cổ điển, là người đọc sẽ kinh nghiệm bài học cuộc sống thông qua trải nghiệm, tư duy của nhân vật, tác giả. Khi bạn có thể kết nối với những cảm xúc của người khác, chính là lúc bạn có được khả năng đồng cảm - một yếu tố quan trọng của EQ.
Tập trung vào kiểm soát stress
Lo lắng trước mỗi kỳ thi là trạng thái bình thường, nhưng lo lắng thái quá sẽ không tốt cho tâm trí. Tập trung kiểm soát, đánh giá áp lực đang đè nặng lên bạn sẽ giúp bạn dần hiểu được cơ chế vận hành của cảm xúc để cư xử phù hợp hơn.
Đừng cá nhân hóa mọi việc
Những người có chỉ số EQ thấp thường hay cá nhân hóa mọi việc. Họ có xu hướng suy đoán rằng mọi người đang bàn tán về mình, sự việc xảy ra liên quan đến mình và thường dễ xúc động, tức giận. Trong trường hợp này bạn nên đóng vai trò người quan sát để cân nhắc và đánh giá sự việc một cách khách quan, đừng để cảm xúc tiêu cực dẫn dắt.
Giảm bốc đồng
Ai cũng phải đối mặt với những lựa chọn giữa niềm vui và trách nhiệm. Nhưng nếu bạn cho rằng mình bị cám dỗ quá dễ dàng, bạn thường ham vui và bỏ qua các trách nhiệm, thì bạn cần tự nỗ lực nhiều hơn để tăng chỉ số EQ.
Bình luận (0)