Kể từ khi được thông báo cách nay 5 năm, sáng kiến "Vành đai - Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình đã kích thích hàng tỉ USD đầu tư của Trung Quốc để xây dựng đường sá, bến cảng và các nhà máy điện.
Đường đi của sáng kiến này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Hiện có không ít vấn đề đang gây tranh cãi, ví dụ như rủi ro nợ quốc gia tăng cao, dòng người lao động Trung Quốc gây căng thẳng cho người dân địa phương ở các nước nằm trong kế hoạch đầu tư và có cả lo ngại về khả năng thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Và tất nhiên, không phải tất cả các dự án thuộc “Con đường tơ lụa” mới đều thành công.
“Cho đến nay chắc chắn có những dự án thành công, nhưng cũng có những thất bại”, Michael Kugelman, cộng sự cao cấp về khu vực Nam Á của Woodrow Wilson Center tại Washington, nói.
Với mỗi giai đoạn phát triển khác nhau lại có nhiều dự án mới, do đó việc đo lường thành công và lợi ích tiềm năng dường như rất phức tạp. Nhưng các nhà phân tích theo dõi đầu tư của “Vành đai - Con đường” đã cố gắng tổng hợp danh sách một số dự án có thể sẽ mang lại tác động kinh tế lớn nhất cho các nước.
|
Đường ống dẫn dầu Kyaukpyu
Đường ống dẫn dầu trị giá 1,5 tỉ USD chạy từ Kyaukpyu (Myanmar) đến Côn Minh (Trung Quốc) bắt đầu hoạt động vào năm ngoái, cho phép các nguồn cung dầu thô từ Trung Đông và châu Phi đến Trung Quốc đi nhanh hơn vì không cần phải đi qua eo biển Malacca và Biển Đông.
Đường ống này được thiết kế để có thể vận chuyển 22 triệu tấn dầu thô mỗi năm, chiếm khoảng 5% lượng hàng nhập khẩu hằng năm của Trung Quốc. Hiện kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu trị giá 7,3 tỉ USD cũng đang được đàm phán. Nếu thành công thì đây sẽ là đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào Myanmar.
Cảng Gwadar
Là nước chia sẻ biên giới với Trung Quốc, nên không ngạc nhiên khi Pakistan có những dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai - Con đường”, trong đó nổi bật nhất là cảng nước sâu Gwadar, cùng với hành lang dài 3.000 km đường bộ và đường sắt nối Trung Quốc với biển Ả Rập.
Hiện cảng Gwadar đã được đưa vào hoạt động. Nó nằm ở cửa vịnh Ba Tư, ngay bên ngoài eo biển Hormuz, gần các tuyến vận tải có sức chứa hơn 17 triệu thùng dầu mỗi ngày và một số lượng lớn các chuyến hàng container.
Theo ông Hasnain Malik, người đứng đầu nghiên cứu về cổ phiếu tại Exotix Capital ở Dubai, cảng Gwadar được xem như tuyến thương mại tiềm năng, đặc biệt khi Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu dầu ở Trung Đông.
Tuyến đường sắt châu Á - Thái Bình Dương
Trung Quốc có kế hoạch kết nối các nước Đông Nam Á với khu vực phía tây Vân Nam thông qua một loạt tuyến đường sắt cao tốc. Có ba tuyến đường đã được lên kế hoạch, đó là tuyến trung tâm chạy qua Lào, Thái Lan và Malaysia để đến Singapore, tuyến phía tây chạy qua Myanmar và tuyến phía đông chạy qua Việt Nam, Campuchia.
Hiện các tuyến đường đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Dự án này đại diện cho một số đầu tư đường sắt quan trọng nhất và có tác động lớn nhất của Trung Quốc.
Đường sắt Kenya
Trung Quốc đang thay thế những chiếc tàu hỏa ở thời kỳ thuộc địa bằng những chiếc tàu mới và nhanh hơn tại các nước châu Phi, từ Ethiopia đến Senegal. Một trong những dự án đường sắt quan trọng là đường sắt tiêu chuẩn Standard Gauge Railway nối thành phố cảng Mombasa của Kenya với các nước láng giềng, bao gồm Rwanda và Uganda thông qua một mạng lưới các tuyến đường cao tốc.
Tuyến đường vận chuyển hàng hóa và hành khách trị giá 3,8 tỉ USD nối giữa Mombasa và thủ đô Nairobi của Kenya bắt đầu hoạt động vào năm ngoái. Nó giúp giảm thời gian vận chuyển xuống một nửa, còn khoảng 5 giờ, đồng thời giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Khai thác mỏ than ở sa mạc Thar
Pakistan đang tìm cách khai thác than tại một trong những mỏ than non lớn nhất thế giới được biết đến nằm ở sa mạc Thar. Kế hoạch của dự án bao gồm việc xây dựng các nhà máy điện để mở rộng công suất điện ở một nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện triền miên. Giai đoạn đầu tiên, giai đoạn có khả năng bổ sung thêm 660 MW điện năng, sẽ được hoàn thành trong năm tới.
Bình luận (0)