5 dự báo đáng sợ nhất về tương lai trí tuệ nhân tạo

Thu Thảo
Thu Thảo
07/11/2018 16:33 GMT+7

Với ngành công nghiệp có thể tạo 1.000 tỉ USD giá trị trong năm nay, và gần 4.000 tỉ USD giá trị năm 2022, bất cứ hoài nghi nào về tác động đạo đức của nó đều có thể để lại hậu quả đáng kể.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được nhắc đến thường xuyên trong giới kinh doanh và trên báo chí. Nó tác động nhiều và hữu hình lên một loạt ngành công nghiệp, hoặc ít nhất là tác động lên các ngành công nghiệp dựa vào lượng lao động thủ công đáng kể. Khi AI ngày càng trưởng thành và giới doanh nghiệp không ngừng rót vốn cho nó, một số người lo ngại rằng thế giới chưa chú ý đầy đủ đến tác động xã hội, đạo đức của công nghệ này. Dưới đây là vài dự báo của giới chuyên gia về viễn cảnh đáng sợ nhất có thể xảy ra trong tương lai với AI.
Thất nghiệp hàng loạt
Ảnh: Bloomberg
Nỗi lo chung của các nhà phân tích, người lao động là việc AI phát triển sẽ dẫn đến thất nghiệp hàng loạt trên thế giới, vì công việc ngày càng được tự động hóa, nhu cầu lao động người thật giảm đi. Nghiên cứu được Đại học Oxford thực hiện năm 2013 chỉ ra rằng một số công việc đứng trước khả năng bị thay thế nhiều nhất là nhân viên môi giới, ngân hàng và bảo hiểm.
Giáo sư Alan Bundy tại trường tin học thuộc Đại học Edinburgh cho hay việc làm mất đi cũng là lý do chính khiến chủ nghĩa dân túy nổi lên. “Sẽ có nhu cầu tuyển con người sắp xếp một loạt ứng dụng tập trung, và phát hiện các trường hợp khó mà AI không thể giải quyết, song điều này sẽ không thay thế tình hình thất nghiệp hàng loạt được dự báo, ít nhất là trong khoảng thời gian rất dài”, ông Bundy nói.
Những người ủng hộ AI thì cho rằng công nghệ sẽ giúp một loạt công việc mới ra đời. Nhu cầu kỹ sư sẽ lên cao vì sự phức tạp của công nghệ mới đòi hỏi nhân sự đủ tài giỏi để phát triển nó. Hãng nghiên cứu Gartner dự báo đến năm 2020, AI sẽ tạo ra 2,3 triệu việc làm mới và loại bỏ 1,8 triệu việc làm khác, tức thế giới có ròng thêm 500.000 việc làm.
Chiến tranh
Ảnh: Shutterstock
Sự ra đời của “robot giết người” và các ứng dụng khác của AI trong quân sự khiến nhiều chuyên gia lo rằng công nghệ dẫn đến chiến tranh. CEO Tesla Elon Musk cảnh báo hồi năm ngoái rằng Thế chiến thứ ba có thể bùng nổ vì AI. 
Dù nhận định của ông Elon có phần cường điệu, nó vẫn khiến một số chuyên gia lo sợ thật sự. Nhà nghiên cứu AI Frank van Harmelen tại Vrije Universiteit Amsterdam cho biết: “Lĩnh vực duy nhất mà tôi nghĩ từ ‘đáng sợ’ nên được dùng là hệ thống vũ khí tự hành, hệ thống có thể trông giống, hoặc không trông giống như robot. Bất kỳ hệ thống máy tính nào, dù là AI hay không, mà có khả năng tự quyết định vấn đề sống - chết, chẳng hạn như quyết định khi nào thì phóng tên lửa, cũng thực sự là ý tưởng đáng sợ”.
Đầu năm nay, viện chính sách Rand Corporation cảnh báo trong một nghiên cứu rằng dùng AI trong ứng dụng quân sự có thể thổi bùng chiến tranh hạt nhân vào năm 2040. Rand Corporation lo rằng nếu hệ thống AI quân sự phạm sai lầm trong việc phân tích tình huống, các nước có thể sẽ hành động vội vàng, dẫn đến quyết định thảm khốc.
Bác sĩ robot
Ảnh: Shutterstock
Dù hầu hết chuyên gia đồng ý về lợi ích mà AI đem đến cho bác sĩ, một số chuyên gia vẫn lo rằng con người đang hướng đến thực hành y tế dựa trên dữ liệu quá nhanh. Nỗi sợ lớn nhất là con người kỳ vọng quá nhiều vào AI, cho rằng nó có thể trở thành trí thông minh chung mà loài người sở hữu để giải quyết một loạt nhiệm vụ.
Theo chuyên gia Bundy, kỳ vọng quá mức có thể dẫn đến hậu quả tiềm tàng cho ngành y. “Một ứng dụng chẩn đoán y học cực giỏi trong vấn đề về tim có thể chẩn đoán bệnh nhân ung thư mắc một số vấn đề về tim hiếm gặp, dẫn đến kết quả tử vong”. Năm nay, đã có lần siêu máy tính khổng lồ Watson của IBM đưa ra khuyến cáo điều trị ung thư “không an toàn, không chính xác”.
Một mối lo khác là lượng dữ liệu được máy tính thu thập và chia sẻ có thể gây tác động đạo đức lên quyền riêng tư của bệnh nhân. Dữ liệu lớn hiện là ngành công nghiệp nhiều tỉ USD, bao gồm mọi mặt trong đời sống. Việc chia sẻ dữ liệu này ở đâu là chuyện đáng suy ngẫm.
Giám sát hàng loạt
Ảnh: Bloomberg
Chuyên gia cũng lo ngại rằng AI sẽ được dùng để giám sát, theo dõi hàng loạt người dân. Tại Trung Quốc, nỗi lo này dường như thành hiện thực khi nhiều thành phố đã kết hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt với AI để giúp chính quyền trấn áp tội phạm.
Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu camera giám sát, theo New York Times. Đây cũng là nước duy nhất tung “hệ thống tín nhiệm xã hội” theo dõi hoạt động của công dân, xếp hạng họ với điểm số để quyết định xem liệu họ có bị cấm lên máy bay, hoặc tham gia dịch vụ hẹn hò trực tuyến hay không. Nước này đang cạnh tranh để dẫn đầu AI toàn cầu vào năm 2030, với tham vọng tăng giá trị ngành AI lên mức 1.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 146,6 tỉ USD.
Phân biệt đối xử
Ảnh: Shutterstock
Giáo sư AI Toby Walsh tại Đại học New South Wales cho rằng phân biệt đối xử là một trong các hậu quả bất ngờ có thể xảy ra từ công nghệ AI. “Thuật toán có thể thiên vị không chủ ý, đặc biệt là với công nghệ học máy, dẫn đến đe dọa phân biệt chủng tộc, giới tính và nhiều kiểu thành kiến khác mà xã hội đang cố gắng đẩy lùi”, ông Walsh nói.
Vấn đề này có liên quan đến việc giúp AI trở thành một cá thể suy nghĩ khách quan, hợp lý, tránh thiên kiến cho bất cứ chủng tộc, giới tính nào cụ thể. Đây là chuyện mà các nhà nghiên cứu, phát triển đang suy nghĩ và làm việc nghiêm túc.
Họ kiểm tra mọi thứ từ công nghệ nhận diện khuôn mặt (sửa hệ thống có vẻ nhận diện khuôn mặt có làn da trắng tốt hơn là khuôn mặt có làn da đen) cho đến các hệ thống AI xử lý ngôn ngữ thể hiện sự thiên vị. IBM thậm chí còn có nhiều nhà nghiên cứu tập trung vào việc giải quyết AI phân biệt đối xử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.