5 giải pháp chống quá tải bệnh viện

27/02/2012 03:27 GMT+7

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên nhân ngày Thầy thuốc VN, Viện sĩ - bác sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, người đã có hơn 50 năm gắn bó với ngành y tế, chia sẻ những trăn trở của ông trước thực trạng ngành y tế hiện nay và hiến kế 5 giải pháp quan trọng.

Vấn đề nóng bỏng hiện nay trong ngành y tế là tình trạng quá tải ở các bệnh viện (BV), dẫn đến nhiều hệ lụy. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?

''Quá tải BV không những ảnh hưởng đến chất lượng điều trị mà còn tác động tiêu cực đến y đức của người thầy thuốc bởi áp lực nặng nề của công việc. Ảnh hưởng ngay trước mắt là sự thiếu lịch sự trong giao tiếp, thường thiếu tận tình trong chăm sóc người bệnh''

Đây là “vấn đề về hệ thống sức khỏe”, liên quan đến nhiều yếu tố. Chúng ta nói nhiều về quá tải và cũng từng đưa ra nhiều phương án giải quyết, nhưng tại sao quá tải vẫn còn là thách thức với ngành y tế? Phải chăng ta chưa bốc đúng thuốc, giải pháp thiếu toàn diện, đồng bộ và triệt để. Hiện tượng quá tải thể hiện qua sự mất cân đối giữa nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng, cộng thêm áp lực dân số và cung ứng dịch vụ y tế, qua sự thiếu giường điều trị ở các BV lớn, BV chuyên khoa.

Vậy, biện pháp cụ thể là gì, thưa ông?

Theo tôi, muốn giải quyết triệt để tình trạng quá tải cần giải quyết tận gốc, toàn diện và triệt để, cả về tổ chức lại hệ thống điều trị ở các cấp và chính sách đầu tư, đãi ngộ cho y, bác sĩ. Bắt đầu bằng cải cách tiền lương, phân bố hợp lý lực lượng nhân sự hiện có, tránh tình trạng cán bộ giỏi và trang thiết bị hiện đại dồn lên tuyến trên. Phải xây dựng một kế hoạch đồng bộ và sát với tình hình thực tế, nhất là ở những TP lớn.

Tôi xin nêu những biện pháp chủ yếu, cơ bản: Một là, ta cần giữ tính hệ thống, theo chiều dọc, đối với các chuyên khoa, và tính mạng lưới, theo chiều ngang, ở khu vực - là thế mạnh của ngành y tế. Hai là, củng cố mạng lưới y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Có tổ chức và chính sách với mạng lưới thầy thuốc gia đình, hệ thống y tế dự phòng. Ba là, củng cố, tổ chức lại mạng lưới y tế hiện có, bằng cách phân bố và sử dụng hợp lý số giường bệnh hiện nay ở các tuyến, tránh tình trạng quá tải ở nơi này, còn nơi khác thì trống vắng, nhất là tuyến quận huyện. Có thể tổ chức tuyến trên mạnh hỗ trợ cho tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật, chứ không làm thay, chỉ đạo tuyến một cách hình thức. Chỉ xây dựng BV mới tùy nhu cầu thực tế và khả năng ngân sách nhà nước, cố gắng xã hội hóa và huy động vốn nước ngoài. Bốn là, kết hợp mạng lưới công và tư. Cần có biện pháp điều tiết, phối hợp với nhau, chứ không phải đầu tư chỉ vì lợi nhuận và cũng nên tránh để chế độ viện phí làm rào cản trong giải áp tuyến trên, có nghĩ đến chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, tránh áp lực cho người nghèo, người về hưu. Năm là, cần phân công và liên kết giữa các vùng (đô thị, miền núi, đồng bằng), nhất là giữa TP và các tỉnh lân cận.

Nói tóm lại, muốn chống quá tải BV, cần có những chính sách đồng bộ, toàn diện, thiết thực, cần có một bộ phận chỉ đạo có đủ quyền lực.


Bác sĩ Dương Quang Trung

Ông có cho rằng áp lực quá tải tác động lên y đức của người thầy thuốc?

Quá tải BV không những ảnh hưởng đến chất lượng điều trị mà còn tác động tiêu cực đến y đức của người thầy thuốc bởi áp lực nặng nề của công việc. Ảnh hưởng ngay trước mắt là sự thiếu lịch sự trong giao tiếp, thường thiếu tận tình trong chăm sóc người bệnh. Ta khó hình dung một thầy thuốc mỗi buổi sáng phải khám hàng trăm bệnh nhân (BN), mà lại có thời giờ tươi cười, giải thích cặn kẽ với BN. Một điều dưỡng, mỗi đêm trực phải chạy quần quật với hàng chục BN nặng, làm sao có thể tươi cười, không cáu gắt, nhất là đồng lương khiêm tốn như hiện nay?

Mặt khác, từ phía BN và gia đình, đứng trước khó khăn, thường tìm cách “bôi trơn” cho được việc, riết rồi thành thông lệ. Muốn thầy thuốc, điều dưỡng là “từ mẫu” thì phải giải quyết quá tải, bên cạnh giải quyết tiền lương một cách thiết thực…

Ông có nhắn nhủ gì với các y, bác sĩ, nhất là những người trẻ mới bước chân vào nghề.

Đau ốm là nỗi bất hạnh trong cuộc sống, nhất là với người nghèo, gần như đứng bên lề xã hội. Người thầy thuốc, với nhiệm vụ thiêng liêng trị bệnh cứu người, cần đồng cảm với BN, không thể vô cảm trước sự đau khổ của người bệnh.

Người chọn ngành y cần có cái tâm rộng mở, cái đức trong sáng và cái tài luôn phải trau dồi. Và muốn có y đức phải rèn luyện từ lúc trẻ thơ, được dạy biết thương người như thể thương thân. Khi lớn lên phải biết tình dân tộc, nghĩa đồng bào và làm việc phải có trách nhiệm, lương tâm, không để đồng tiền chi phối. Thầy thuốc không nên cầu lợi, kể công…

Thanh Tùng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.