Cúm mùa cũng chỉ đơn giản như cảm lạnh thông thường
Một số người thường hiểu lầm rằng cúm mùa và cảm lạnh là một. Với những triệu chứng tương tự như ho, sốt, nhức đầu, mệt mỏi,… và tên gọi dễ gây nhầm lẫn, cúm mùa đang bị xem nhẹ và không được phòng ngừa đúng cách.
Trên thực tế, cúm mùa có triệu chứng rầm rộ hơn, có thể gây đau mỏi cơ, nhức đầu, ho khan, thậm chí có thể dẫn đến có biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm tai giữa...; thậm chí có thể dẫn đến tử vong - đây là điều không gặp phải khi bị cảm lạnh.
Chính vì vậy, bên cạnh những biện pháp phòng ngừa thông thường giống cảm lạnh, cúm mùa cần được phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin hằng năm theo khuyến cáo của Bộ Y Tế .
Dinh dưỡng & vận động là đủ để phòng bệnh hiệu quả
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, hoạt động thể chất đều đặn để tăng cường miễn dịch là điều nên làm nhưng vẫn chưa đủ để phòng ngừa cúm mùa! Đối với cúm mùa, vắc xin chính là biện pháp hiệu quả để bổ sung kháng thể, chống lại nguy cơ nhiễm bệnh và các biến chứng mà bệnh có thể gây ra. Ngoài ra, các biện pháp an toàn hằng ngày như: rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước rửa tay/dung dịch có cồn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, sử dụng khăn giấy và vứt bỏ chúng đúng cách; tránh tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh,... cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan vi rút.
Chỉ có trẻ em mới cần tiêm ngừa cúm
Vi rút cúm không chừa một ai! Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm cúm mùa (kể cả những người khỏe mạnh) và những biến chứng do cúm gây ra có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính hàng năm có 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em trên toàn cầu mắc cúm mùa, trong đó có khoảng 3-5 triệu ca nhiễm cúm nặng.
Các ca bệnh nặng phải nhập viện và tử vong thường xảy ra ở nhóm nguy cơ cao bao gồm: người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền mạn tính (như hen suyễn, tim mạch, đái tháo đường…), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Theo đó, hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới cúm xảy ra chủ yếu ở nhóm người cao tuổi.
Chỉ cần tiêm ngừa cúm 1 lần là miễn dịch cả đời
Theo các cơ quan y tế trên thế giới (WHO, US-CDC) và Bộ Y tế Việt Nam, tiêm vắc xin cúm mùa hằng năm là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra.
Do đặc điểm vi rút cúm liên tục thay đổi, dễ sinh ra chủng vi rút cúm mới và cả 4 dòng vi rút cúm gồm 2 dòng vi rút cúm A (H1N1 và H3N2) và 2 dòng vi rút cúm B (Victoria và Yagamata) đều có thể lưu hành cùng lúc trong một mùa cúm; nên thành phần của vắc xin cúm sẽ được cập nhật hàng năm dựa trên khuyến cáo về công thức vắc xin cúm mùa của WHO để bảo đảm sự tương thích với chủng vi rút cúm lưu hành thực tế hàng năm. Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành vắc xin cúm mùa tam giá (TIV) và tứ giá (QIV), trong đó vắc xin cúm mùa tứ giá (QIV) - có chứa kháng nguyên của cả 4 dòng vi rút cúm, cung cấp sự bảo vệ rộng hơn so với vắc xin cúm mùa tam giá.
Đã tiêm vắc xin Covid-19 rồi thì không cần tiêm vắc xin cúm nữa; và ngược lại, tiêm ngừa cúm rồi thì không cần tiêm ngừa Covid-19 nữa
Các căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi rút gây ra như Covid-19 và cúm đang khiến nhiều người nhầm lẫn bởi chúng có những triệu chứng giống nhau, dẫn đến lơ là, chủ quan trong phòng ngừa. Tuy nhiên, theo WHO, cúm mùa và Covid-19 là hai bệnh khác nhau do các vi rút khác nhau gây ra . Điều này đồng nghĩa với việc dù đã tiêm ngừa Covid-19 thì vẫn phải tiêm vắc xin ngừa cúm và ngược lại.
Hành động chủ quan trong tiêm phòng cúm mùa có thể gây ra hậu quả “dịch bệnh kép” và gây quá tải lên hệ thống y tế. Không những vậy, tiêm phòng cúm còn giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm, từ đó giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19 .
Đừng vì những hiểu lầm, phút thiếu cảnh giác để phải gánh chịu những hối tiếc mất mát về sau. Bên cạnh việc tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19, hãy tiêm phòng ngừa cúm mùa hằng năm để bảo vệ bản thân và cả gia đình.
Bình luận (0)