5 lợi ích của ánh nắng mặt trời đối với trẻ

Phương An
Phương An
05/03/2024 08:10 GMT+7

Ánh sáng mặt trời tự nhiên ở mức độ vừa phải có lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

Theo các nghiên cứu được tổng hợp từ trang web của Bệnh viện Nhi đồng UCSF Benioff (Mỹ) và nền tảng y khoa NHS (Anh), 0 - 3 tuổi được xác định là một trong những giai đoạn quan trọng nhất để trẻ có thể hưởng lợi từ ánh sáng tự nhiên.

5 lợi ích của ánh nắng mặt trời đối với trẻ- Ảnh 1.

90 - 95% vitamin D của cơ thể đến từ ánh sáng mặt trời

Shutterstock

Lợi ích 1: Bổ sung vitamin D. Vitamin D rất cần thiết cho trẻ vì nó giúp cơ thể trẻ hấp thụ nhiều vitamin hơn, đặc biệt là canxi. Điều này sẽ giúp củng cố xương và răng của trẻ. Vitamin D cũng hỗ trợ khả năng duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ của cơ thể.

Lợi ích 2: Kiểm soát mức độ insulin. Nhận ánh sáng mặt trời sớm trong đời có thể giúp cơ thể kiểm soát mức độ insulin và ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh tiểu đường. Mặc dù việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến mức insulin trong cơ thể, nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi còn nhỏ đóng một vai trò đặc biệt.

Lợi ích 3: Mức độ serotonin tăng cao. Serotonin là chất tự nhiên được biết có tác dụng cải thiện tâm trạng của trẻ và khiến chúng cảm thấy thoải mái hơn. Serotonin tăng lên cũng giúp điều chỉnh hệ thống tiêu hóa và cách ngủ của trẻ.

Lợi ích 4: Mức năng lượng cao hơn. Trẻ càng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì da càng sản sinh ít melatonin hơn. Nhờ đó, trẻ sẽ cảm thấy năng lượng hơn và có thể thức lâu hơn. Đây có thể không phải là điều cha mẹ cần được nghỉ ngơi mong muốn. Tuy nhiên, trẻ thức lâu hơn trong ngày sẽ mang lại lợi ích lâu dài, như phát triển nhịp sinh học nhanh hơn, giúp cải thiện giấc ngủ theo thời gian.

Lợi ích 5: Giảm nồng độ bilirubin. Trong khi ánh sáng mặt trời làm tăng lượng vitamin D, insulin, serotonin và năng lượng, thì ánh sáng mặt trời lại làm giảm nồng độ bilirubin ở trẻ bị vàng da. Những em bé bị bệnh vàng da nặng hơn phải ngủ dưới tấm chăn chống tia cực tím ở nhà cho đến khi nồng độ bilirubin của chúng giảm xuống. May mắn thay, tia UV tự nhiên từ mặt trời cũng hoàn thành được mục tiêu tương tự và giúp mang lại sự cân bằng cho nồng độ bilirubin.

MỘT SỐ LƯU Ý ĐỂ BẢO VỆ DA CỦA TRẺ

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhấn mạnh quá nhiều ánh sáng mặt trời cũng có thể gây hại, đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ nên tiếp xúc với ánh nắng gián tiếp.

Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nghĩa là khi em bé không có rào cản giữa da và tia UV của mặt trời. Tận hưởng ánh sáng mặt trời gián tiếp là khi ngồi bên cửa sổ được che tấm màn nhẹ, dưới gốc cây hoặc che ô ngoài trời, hay trong xe đẩy được phủ một tấm chăn mỏng.

Vì 90 - 95% vitamin D của cơ thể đến từ ánh sáng mặt trời, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ sơ sinh nên tiếp xúc với ánh nắng gián tiếp khoảng 10 phút mỗi ngày. Nếu da sẫm màu hơn, trẻ có thể phơi nắng lâu hơn một chút. Nhưng dù màu da thế nào, trẻ sơ sinh không nên ra nắng quá 30 phút mỗi ngày.

Ngoài ra, còn có một số lưu ý để đảm bảo làn da của bé được bảo vệ khi tận hưởng ánh nắng mặt trời.

Thời gian phù hợp: Ánh nắng gián tiếp tốt nhất có thể được tận hưởng là vào sáng sớm trước 9 giờ và ánh nắng cuối ngày sau 16 giờ.

Giữ đủ nước: Nếu phải ra ngoài vào giờ cao điểm (từ 10 - 16 giờ), hãy luôn che chắn đầy đủ với quần áo chống nắng, kính râm, mũ rộng vành và cung cấp đủ nước cho bé.

Đặc biệt, trẻ mắc một số bệnh lý nhất định hoặc sinh non cần được tham khảo ý kiến bác sĩ, có thể không cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong vài tuần sau sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.