Tuy vẫn còn đó những thất bại và tiêu cực, nhưng có thể nói năm 2014 vừa qua vẫn là một năm tràn ngập ánh sáng của thành công và những lời khen ngợi đối với ngành công nghiệp game thế giới. Dưới đây là năm lý do đáng để chúng ta ăn mừng cho sự thành công tuyệt vời này:
1. Extra Life
(Ảnh: Extra-life.org)
Một trong những điểm sáng khiến game thủ thế giới có thể tự hào trong năm qua là chiến dịch Extra Life. Đây là chương trình gây quỹ từ thiện thường niên cho mạng lưới các bệnh viện nhi Children’s Miracle Network Hospitals, góp phần đem đến thông điệp về tình yêu thương và sự hy vọng. Bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài đến hết năm 2014, chiến dịch này đã thu hút hàng ngàn game thủ và giới truyền thông cùng tham gia một cuộc chơi game theo phong cách marathon kéo dài suốt 24 tiếng đồng hồ nhằm quyên góp tiền cho các bệnh viện nhi địa phương, stream hình ảnh lên Twitch và kêu gọi ủng hộ từ người thân, bạn bè.
Tổng cộng số tiền quyên góp từ cộng đồng Extra Life lên đến 6 triệu USD trong năm 2014.
2. Nhạc nền video game
Game Destiny (Ảnh: Destiny,com)
2014 có thể được ghi nhận là năm mà ngành game thế giới cho ra đời hàng loại game "bom tấn" nhưng có đầy rẫy lỗi, server tồi tệ hay thậm chí là những "bug" khiến không thể chơi được game. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà một trong những game đình đám nhất năm, Destiny, ra mắt album soundtrack cực hay và đậm tính anh hùng ca. Nhạc sĩ Marty O’Donnell đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi sáng tác nên những bản nhạc nền tuyệt vời góp phần đem đến thành công cho Destiny. Destiny cũng đã vinh dự đoạt giải Game có nhạc nền hay nhất trong khuôn khổ gảii thưởng Game Awards 2014.
Những người yêu âm nhạc còn phải tỏ lòng cảm kích trước những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời của Austin Wintory trong game The Banner Saga, Darren Korb trong Transistor, hay nhạc sĩ nổi tiếng David Wise trong Donkey Kong Country: Tropical Freeze.
3. Nintendo
(Ảnh: Operationrainfall.com)
Trong một năm tiếp tục chứng kiến sự vắng bóng các game chơi nhiều người "offline" (local multiplayer, cùng chơi trên một máy), chưa kể đến các game kém chất lượng và đầy lỗi, hãng Nintendo vẫn đem lại niềm hy vọng khi tiếp tục trung thành vớii các tiêu chuẩn về chất lượng game của hãng từ xưa đến nay. Tiêu biểu là hai game Mario Kart 8 và Super Smash Bros., hai ví dụ điển hình cho dòng game "local multiplayer", chúng xứng đáng để người chơi tậu máy Wii U để tận hưởng những trải nghiệm chơi game khó quên.
Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến những cái tên như Donkey Kong Country: Tropical Freeze, Hyrule Warriors, Captain Toad: Treasure Tracker, Bayonetta 2... Tất cả đều là những tựa game tuyệt vời. Hoặc là sự trở lại của tựa game nhập vai Nhật Bản nổi tiếng Bravely Default (dĩ nhiên, Square Enix là nhà phát triển game này, nhưng nó là sản phẩm độc quyền cho máy 3DS của Nintendo).
Một điểm khiến Nintendo trở nên nổi bật nữa là cách "không nổi bật" mà hãng chọn: thay vì đăng đàn thuyết trình tại triển lãm game E3 như nhiều ông lớn khác, hãng chọn cách mở thuyết trình trực tuyến, tập trung mạnh vào các nội dung hài hước và giới thiệu game mới, không lằng nhằng với những chỉ số "chả ai thèm quan tâm".
4. PlayStation Experience
(Ảnh: Gamespot.com)
Sự kiện PlayStation Experience của Sony ở Las Vegas là một thành công lớn đối với hãng. Ngoài ra, hãng còn được vinh danh nhiệt tình tại giải thưởng Game Awards 2014 và là chủ đề của giới truyền thông suốt thời gian mà ngành game thế giới dường như đang “ngủ quên”. Sự kiện của Sony còn gây tiếng vang khi vinh danh dòng game độc lập (indie game, tự phát triển và phát hành không thông qua các nhà phát hành lớn) cùng với kỷ niệm chặng đường dài 20 năm của dòng máy chơi game PlayStation.
Sẽ rất tuyệt vời nếu Sony biến PlayStation Experience thành một sự kiện thường niên. Mặc dù vẫn đòi hỏi một khoản phí vào cửa (50 USD cho một ngày tham gia) nhưng sự kiện này là rất đáng giá vì nó tập trung mạnh vào game thủ, không phải là một sự kiện PR "trá hình".
5. Blizzard
(Ảnh: Fanboysanonymous.com)
Danh sách những tựa game xuất sắc nhất trong năm 2014 vừa qua có thể kể đến những cái tên như South Park: The Stick of Truth, Transistor, Forza Horizon 2, Dragon Age và Middle Earth: Shadow of Mordor; nhưng hãng Blizzard đã làm lu mờ tất cả khi thành công ngoài sức tưởng tượng với game Hearthstone thuộc thể loại chiến thuật thẻ bài (Collectible card game) với những quân bài thuộc về thế giới huyễn mộng truyền kỳ của Warcraft, bên cạnh bản game Diablo III: Ultimate Evil Edition đưa thế giới Diablo lên các thế hệ console mới.
Hearthstone gần như là một sự thay thế hoàn hảo cho Magic: The Gathering, series game đánh bài ma thuật trứ danh hơn một thập niên qua. Trong năm 2014 vừa qua, hàng loạt các giải đấu Hearthstone đã được tổ chức và tường thuật (thông qua stream) khắp nơi trên thế giới. Đây là bằng chứng cho thấy Hearthstone đang phát triển mạnh mẽ và chiếm được cảm tình lớn của đông đảo game thủ. Với đồ họa đẹp, âm thanh xuất sắc, gameplay mang tính chiến thuật cao, Hearthstone thực sự có khả năng đe dọa vị trí dẫn đầu của Magic: The Gathering và Yugi-oh (Vua trò chơi).
Diablo III thì mang trong mình công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến với sự bổ sung của nhiều tính năng đặc biệt, chế độ chơi mới lạ, hấp dẫn đã được cả đội ngũ phát triển đồ sộ của hãng Blizzard tính toán, phân tích và nghiên cứu trong nhiều năm. Với phiên bản Ultimate Evil Edition trên console (cả PS3 và PS4), Diablo III thực sự đã mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người chơi.
Đó là chưa kể đến Heroes of the Storm, tựa game MOBA dựa trên tất cả những thế giới quen thuộc của hãng: Warcraft, Starcraft và Diablo. Dù hiện tại vẫn còn quá sớm để nhận định về sự thành bại của trò chơi này.
Với những gì thể hiện được, Blizzard đã chứng tỏ cho các game thủ thấy họ không hề tìm cách "vắt sữa" những thương hiệu game của mình, giống như những EA, Ubisoft hay Activision. Blizzard vẫn chứng tỏ được "cái tầm" của mình khi vẫn xem game thủ là "thượng đế" mà họ cam kết hết lòng phục vụ, và cả tri ân.
Bình luận (0)