(TNTS Xuân Nhâm Thìn) Có những thứ cách đây vài mươi năm còn là những món ẩm thực dân dã, quê mùa thì ngày nay trở thành đặc sản; có những món ăn bình dị hằng ngày ở một vùng quê nào đó mang ra thành thị trở thành của ngon vật lạ. Đặc biệt, nếu những món ăn này được mang ra bàn nhậu nhâm nhi trong mấy ngày xuân thì đảm bảo… không gì bằng.
Lạp xưởng gác bếp
|
Đây là món ăn bình dị của người dân vùng cao Tây Bắc, có hương vị rất lạ so với lạp xưởng miền xuôi của chúng ta. Ngoài vị mặn mà của muối, vị ngon ngọt của thịt heo, vị chua chua của rượu lên men cùng thịt còn có hương mắc kén, hương khói hòa quyện tạo nên “tiếng nói riêng” cho món lạp xưởng gác bếp. Đầu tiên, người ta mang lòng lợn tươi rửa sạch nhiều lần bằng rượu. Sau khi làm vệ sinh sạch sẽ, lòng lợn được phơi khô rồi thổi hơi vào trở thành bong bóng làm vỏ bao bọc bên ngoài. Nhân làm từ thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông của lợn cắp nách được chọn kỹ với những miếng tươi ngon nhất rồi nhồi cùng các loại gia vị tương tự như lạp xưởng miền xuôi nhưng có thêm hạt mắc kén (còn gọi là tiêu rừng) và chút rượu để làm chất lên men. Sau khi phơi 3 nắng, lạp xưởng sẽ được mang treo lên gác bếp. Khói và hơi nóng của bếp lửa làm cho thịt nhồi bên trong săn hơn và ngon hơn.
Gỏi khô cá lóc rau muống đỏ
|
Cách làm món nhậu này vô cùng đơn giản và nhanh chóng. Nếu quý bà bận du xuân thì quý ông có thể xuống bếp với vài phút cùng vài chiêu “múa tay” là có ngay món gỏi dân dã: nướng khô cá lóc xẻ bằng bàn tay xòe trên bếp lửa cho vừa chín, xé khô lấy thịt cá trộn cho thấm đều với gỏi rau muống đỏ được ngâm giấm sẵn từ mấy ngày cuối tháng chạp, cắt ít lát tỏi và ớt trái cho vào. Rau muống đỏ cho vị mềm và ngọt hơn rau muống xanh, hòa cùng vị mặn mặn của khô cá lóc, vị ngọt ngọt, đăng đắng, lành lạnh của bia ướp đá thì không gì hơn. Nhiều người còn nói vui: Mấy ngày tết mà nhậu món này sẽ được vận đỏ đến trong suốt năm mới!
Chuột dừa quay chảo
|
Đây là những món nhậu được tư vấn bởi chị Trần Diệu Hạnh, chủ thương hiệu thực phẩm Hạnh Food, Hà Nội và anh Nguyễn Hoàng Hải, chủ nhà hàng Hải Hòn Chồng, TP.HCM |
Món nhậu này mà hỏi dân xứ dừa (Bến Tre) thì ai cũng biết. Ở Bến Tre, mấy tháng cuối năm là mùa sinh sôi của chuột dừa nên chuột nhiều vô kể. Nhờ ăn cơm dừa nên thịt chuột rất ngon. Người ta bắt chuột để tránh phá hoại mùa màng và tận dụng thịt làm món nhâm nhi “hết sẩy”.
Với người dân quê, không có tủ lạnh để bảo quản thì phần lớn đổ ra sàn hoặc xỏ dây phơi khô, ra mùng 4, mùng 5 mang nướng làm món nhậu cho các ông, món ăn chơi cho các bà và trẻ nhỏ, đỡ ngán vô cùng. Còn với người thành thị thì có thể làm món quay chảo từ ngày 29 hoặc 30 tết rồi đông lạnh, khi có khách chỉ cần mang ra hâm trong lò vi sóng vài phút là có ngay món nhậu thượng hạng.
Cách chế biến rất đơn giản, chỉ hơi tốn thời gian một chút. Đầu tiên, chuột dừa làm xong rửa sạch với rượu, chanh hoặc dấm chua cho hết tanh, sau đó ướp đầy đủ các loại gia vị như ớt, tỏi, ngũ vị hương, nước mắm, đường, bột ngọt. 15 phút sau gia vị thấm, bắc lên chảo xào sơ, rồi đổ nước dừa vào, cho lửa liu riu và lật qua lật lại đến lúc vàng ươm là được.
Mề vịt khìa hương trà
|
Nhai giòn giòn với vị vừa ăn, lại thoang thoảng hương trà sen thơm dịu thanh tao là những điều làm nên sự tuyệt vời ở món nhậu này. Món này cũng có thể thực hiện trước rồi bỏ tủ lạnh từ những ngày cuối tháng chạp, đến khi cần mang ra hâm lò vi sóng, độ ngon vẫn đảm bảo… dư sức đãi bạn bè.
Nguyên liệu cần là mề vịt tươi mua về xắt miếng ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt vừa ăn và một ít ngũ vị hương. Sau đó bắc lên bếp khìa cùng nước dừa, đến lúc gần xong, pha một cốc trà sen đậm đặc rưới lên như một loại nước sốt là được.
Bắp bò muối chua
|
Đây là món nhâm nhi rất hợp với những quý ông thích món bò, bởi dù ngâm chua nhưng vẫn giữ được hương thơm và vị ngọt của thịt bò. Khi dùng cùng mù tạt sẽ cho thêm vị cay nồng, nhâm nhi cùng bia hay rượu trắng sẽ rất ngon. Cách chế biến tương tự món dưa chua bình thường. Đặc biệt, phần thịt thì mềm còn phần gân thì giòn, không dai, thích hợp cả với người lớn tuổi lẫn người trẻ tuổi.
Cẩm Nhi
Bình luận (0)