(iHay) Nhiều du khách phương xa tới Bình Định đã không khỏi ngạc nhiên trước những phong vị ẩm thực của vùng đất này. Ngon-bổ-rẻ là những nhận xét chung của các thực khách. Từng món ăn xứ Nẫu ghi điểm bằng vị đậm đà, dân dã và độc đáo! Dưới đây là 5 món ngon bạn không nên bỏ qua khi đến với vùng đất võ huyền thoại.
Nem chua Bình Định ngon trứ danh
|
Nem chua chợ huyện
Người Bình Định có câu ca: “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò” để ví von cho đặc sản độc đáo của vùng đất miền Trung đầy nắng gió này. Nem chua chợ huyện từ lâu trở thành món ăn, món quà không thể thiếu bởi vị ngon mà không ngấy, đậm đà mà nhỏ xinh, dân dã, hệt như đất và người nơi đây.
Nem chua được làm từ thịt heo nạc đùi. Những miếng nạc ngon nhất của heo được chọn lọc để làm nem. Yêu cầu của khâu chọn thịt là không mỡ, không gân. Những thớ thịt hồng hào, săn chắc sẽ được đem đi xay rồi quết, nêm nếm gia vị để tạo thành những gói nem chua nhỏ nhắn nằm gọn trong tay người ăn. Nem sau khi gói lại bằng nhiều lớp lá ổi, lá chuối sẽ được chín tự nhiên nhờ lên men chua.
Món nem có thể được ăn sau 3-4 ngày chế biến, ăn kèm tỏi ớt, nước tương hoặc bạn cũng có thểm đem nướng lên cho thêm hấp dẫn.
Tré
Tré lại là một đặc sản khác của miền đất võ. Tré được làm từ thịt thủ heo luộc chín xắt nhỏ, trộn với mè, riềng, gia vị… rồi ủ trong một bó rơm vàng ươm, nhìn rất thích mắt. Tré được ủ cho lên men chua chừng 3 ngày. Khi ăn, chỉ cần lột dần lớp rơm bọc ngoài.
Tré
Tré lột ra là có thể ăn ngay, kèm chút rau thơm. Nếu thích nhâm nhi, thực khách có thể ăn món này kèm với rượu Bàu Đá, một đặc sản có tiếng của Bình Định. Món tré ăn rất dễ bị ghiền bởi vị beo béo, giòn sựt của thịt thủ, thêm mùi riềng cay nồng và vị chua nhẹ.
Bún song thằn An Thái
Bún song thằn An Thái (Bình Định) là một trong những món ngon tiến vua thời xưa. Loại bún này từng có tiếng là quý hiếm bởi để làm được 1 kg bún cần tới 5 kg đậu xanh, đãi lắng qua rất nhiều nước, mà phải là nước sông Côn chảy qua làng An Thái mới được. Bún song thằn vì thế mà được dân gian thêu dệt nhiều câu chuyện kỳ bí...
Bún song thằn
Chuyện kể bắt đầu từ cái tên song thằn của bún. Có người bảo song thằn là song thần để tưởng nhớ đến 2 vị thần làm nên chất bún: nước sông Côn và đậu xanh. Sông Côn êm dịu chảy qua làng An Thái được tiếng có nước trong và ngọt. Người dân làng lấy nước này để đãi đậu làm bún. Tương truyền các vua triều Nguyễn triệu thợ bún An Thái ra kinh đô Huế làm bún song thằn nhưng không thành công vì nước sông Hương khác với nước sông Côn. Cũng có người nói tên gọi song thằn mới đúng vì theo cách làm bún, kéo xuống từng đôi một.
Còn với người ăn bún, dù cái tên ở nghĩa nào thì bún song thằn An Thái cũng đã “ghi điểm” với vị ngon ngọt thanh tao, mát lành. Điểm đặc biệt của bún song thằn là dù nấu theo kiểu nào, để bao lâu thì cọng bún cũng không bị nở mềm nhão hay dính vào nhau. Do làm từ đậu xanh nên cọng bún vừa mềm mại lại có độ giòn dai vừa phải, ăn rất thú vị.
Bánh xèo tôm nhảy
Không biết từ bao giờ, nhắc tới Bình Định, ngoài danh tiếng đất võ ra, người ta lại nhớ đến bánh xèo. Món này dân dã đến mức đâu đâu ở Việt Nam này cũng có, nhưng riêng ở xứ Nẫu, nó được đẩy lên hàng “cao cấp”. Bánh xèo tôm nhảy của một bà già ngoài 70 ở huyện Tuy Phước, cách TP.Quy Nhơn hơn 20 km cứ đến những ngày lễ tết là đông nghịt.
Người ta phải vất vả đi xa bởi vị bánh của bà làm hơn 40 năm nay không lẫn vào đâu được. Tôm lên khuôn dầu nóng còn búng lách tách, bột được xay bằng cối đá và nước mắm thì chỉ nêm đường, ớt tỏi và xoài xanh. Vậy thôi mà những khuôn bánh của bà luôn đẹp tinh tế và ngon thì thôi rồi!
Ốc bình dân
Những tiệm ốc bình dân ở TP.Quy Nhơn rất đáng để bạn ghé chân dùng thử. Đây là sản vật vốn có ở vùng biển nắng ấm này. Ốc được chế biến công phu và sạch sẽ với hàng chục món như: ốc sắt um, ốc mỡ um, ốc hương xào, ốc sắt luộc… Ngoài ra, các món nướng như hàu nướng, sò quéo nướng mỡ hành, sò điệp… với ưu điểm tươi ngon và giá cả bình dân sẽ khiến thực khách phải lòng ngay lần đầu ăn thử.
Bình luận (0)