10 năm thai nghén
Đó là tình cảnh của ông Hoàng Thịnh, một chủ doanh nghiệp cơ khí ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Với biệt danh "nhà sáng chế của nông dân", ông Thịnh đã cải tiến, cho ra lò nhiều loại máy nông cụ hữu ích như máy gặt lúa, máy tuốt lúa, máy sấy nông sản...
Trước ngày thống nhất đất nước, ông Thịnh đã tốt nghiệp ban Kỹ nghệ sắt - Trung tâm Quốc gia kỹ thuật Phú Thọ (nay là khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa TP.HCM). Ông Thịnh kể: "Trong các loại máy tôi bỏ công nghiên cứu cải tiến thì chiếc máy đùn gạch làm tôi lao tâm khổ tứ hơn cả. Krông Ana là địa bàn chuyên sản xuất gạch ngói nhưng trước đây chủ yếu sử dụng những chiếc máy đùn gạch thủ công, người lao động phải dùng tay đẩy đất sét vào máy, sơ sẩy một chút là máy cuốn đứt cả cánh tay. Chứng kiến những tai nạn thương tâm này, tôi trăn trở ghê lắm, ngày đêm nghĩ cách cải tiến chiếc máy đùn gạch để có hiệu suất cao và an toàn hơn".
Sau gần 10 năm trời "thai nghén" và phải tốn kém không ít tiền của, ông Thịnh đã thành công. Ngày 20.12.2002, sản phẩm máy đùn gạch gắn trục cào của ông Thịnh được Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) ra Quyết định số 764/QĐ-ĐK cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 319. Đặc điểm kỹ thuật mới của chiếc máy này là trục cào được lắp quay bên trên hai quả lô nghiền đất, một dao cán được lắp nằm ngang giữa hai quả lô, trục cào với các dãy răng có tác dụng cào liên tục đất nguyên liệu từ phễu cấp cho hai quả lô, làm tăng công suất nghiền nhào. Có 11 chủ lò gạch lớn ở huyện Krông Ana xác nhận (bằng văn bản): sử dụng máy có gắn trục cào theo sáng chế của ông Hoàng Thịnh đã làm tăng công suất đùn gạch từ 1,5 đến 2,5 lần và đặc biệt là không còn xảy ra tai nạn cuốn dập tay vào máy như trước đây. Chiếc máy đùn gạch này đã được trao khá nhiều giải thưởng như Huy chương vàng Chợ Công nghệ và thiết bị VN năm 2003, Cúp vàng Hội chợ triển lãm hội nhập Hải Phòng - 2004, Giải thưởng sáng tạo VIFOTEC - 2005, Giải sáng tạo điển hình VN - 2006...
Gian nan tìm lẽ công bằng
Niềm vui của ông Thịnh thật ngắn ngủi. Ngay sau khi chiếc máy đùn gạch có trục cào được bảo hộ, lập tức có 2 cơ sở cơ khí trên địa bàn Krông Ana bắt chước làm nhái sản phẩm để bán với giá rẻ hơn. Số lượng cơ sở vi phạm tăng lên nhanh chóng, không chỉ trong tỉnh Đắk Lắk mà còn lan ra các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Nông, Khánh Hòa... Đầu năm 2003, ông Thịnh gửi đơn khiếu nại đến các ngành chức năng đồng thời nhờ Công ty Luật SHTT HAVIP (Hà Nội) hỗ trợ. Một đợt khảo sát của Công ty HAVIP tại 2 huyện Krông Păk và Krông Ana vào cuối năm 2006 cho thấy, trong số 158 máy đùn gạch được kê khai thì có đến 156 máy gắn trục cào (chiếm 98,7%). Chỉ khoảng 5% trong số máy này được ông Hoàng Thịnh thỏa thuận cho phép sử dụng trục cào có bản quyền, còn lại là sử dụng bất hợp pháp.
Theo đánh giá của bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó giám đốc Công ty Luật SHTT HAVIP, chỉ tính trong 3 năm 2003-2005, ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có ít nhất hơn 900 máy đùn gạch vi phạm quyền SHTT được sản xuất, đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Đã có hàng kg đơn thư khiếu nại được ông Thịnh gửi đến Cục SHTT, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và ngành chức năng của các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa... Cục SHTT, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng các tỉnh có biện pháp xử lý theo quy định của Luật SHTT nhưng đến nay hầu như không đem lại kết quả nào đáng kể.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)