5 năm tới, VN có 2 triệu trẻ em thừa cân, béo phì, nếu không can thiệp kịp thời

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
25/07/2024 08:12 GMT+7

Chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo, nếu không can thiệp kịp thời, trong vòng 5 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 2 triệu trẻ em thừa cân, béo phì.

Tại hội thảo Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là về chính sách thuế do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức vào ngày 24.7, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì.

Trẻ béo phì cao hơn mức trung bình của khu vực

Theo bà Đỗ Hồng Phương, chuyên gia dinh dưỡng UNICEF Việt Nam, thừa cân và béo phì là vấn nạn với trẻ em. Hiện có khoảng 390 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Trẻ em tiêu thụ nhiều đồ uống có đường thường có cân nặng lớn hơn so với những trẻ ít tiêu thụ đồ uống có đường.

Tại Việt Nam, trong nhóm trẻ 5 - 19 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020), trong đó khu vực thành thị 26,8%. Tỷ lệ này cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%), cao hơn tỉ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực (13,4% tại Campuchia, 16,6% tại Lào, 14,1 % tại Myanmar, 14,5% tại Philippines, 18% tại Indonesia).

Chuyên gia Đỗ Hồng Phương cho biết thêm, trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mạn tính khác và tử vong sớm; có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội, chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin, kết quả học tập kém…

"Nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 19 tuổi bị thừa cân, béo phì", chuyên gia này nhận định và cho biết, một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở trẻ là do tiêu thụ nhiều đồ uống có đường.

Nên ăn bao nhiêu đường mỗi ngày là đủ?

PGS-TS, bác sĩ Trương Tuyết Mai (Viện Dinh dưỡng) phân tích thêm, một phần 330 ml hoặc 12oz đồ uống có đường, có gas thường chứa khoảng 35 gram đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

Tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe, trong đó đồ uống có đường được xác định là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Cụ thể, tăng tiêu thụ đồ uống có đường sẽ tăng năng lượng nạp vào (năng lượng rỗng); làm tăng phản ứng kích hoạt của não với các tín hiệu về sự ngon miệng, kích thích ăn…

Bà Mai cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe, tương đương dưới 25 - 50 gram đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 gram đường mỗi ngày với trẻ em.

Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

5 năm tới, VN có 2 triệu trẻ em thừa cân, béo phì, nếu không can thiệp kịp thời- Ảnh 1.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị ở mức thấp hơn để hạn chế nguy cơ bị tim mạch, huyết áp, tiểu đường

HOÀNG SƠN

Về giải pháp kiểm soát lượng đường tiêu dùng, PGS-TS, bác sĩ Trương Tuyết Mai cho rằng, cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường; xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn; hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em; áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Bà Mai khuyến nghị các biện pháp nhằm giảm tiêu thụ đường, bao gồm:

  • Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt;
  • Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô…;
  • Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn;
  • Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác;
  • Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng;
  • Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô;
  • Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn;
  • Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.