Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết cá lóc hay còn gọi là cá quả được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là lệ ngư. Thịt cá lóc có 18,2 mg protein, 2,7 mg lipid, 2,2 mg sắt... Ngoài ra, cá lóc còn có vitamin B2, vitamin PP.
Theo đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng kiện tỳ, tiêu viêm, khu phong thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém, chậm tiêu...
Một số công dụng của cá lóc
Chữa lở ngứa lâu ngày không khỏi: Cá lóc 1 con làm sạch, mổ bụng, bỏ hết ruột, nhồi lá ké đầu ngựa vào, buộc chặt, sau đó lấy lá ké đầu ngựa bọc xung quanh mình cá, đốt lửa cho đến khi lớp lá này cháy hết thì gỡ bỏ lá, ăn hết thịt cá trong 1 ngày. Dùng 2-3 ngày.
Chữa mồ hôi trộm: Cá lóc 1 con làm sạch nhớt, đánh vảy, mổ bụng, bỏ hết ruột, sấy khô giòn, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 g chữa mồ hôi trộm, viêm gan, vàng da.
Chữa nhọt trong tai: cá lóc 250 g, cá mực 200 g, đậu phụ 50 g, trám muối 4 quả. Tất cả nấu nhừ. Ăn cả cái lẫn nước.
An thần, kiện tỳ: Cá lóc 500 g, táo đỏ 10 quả, táo tây vỏ đỏ 2 quả, gừng tươi 2 lát, gia vị, dầu thực vật. Cá rán với gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, hạt, thái miếng nhỏ. Táo đỏ bỏ hạt. Nấu nước sôi rồi cho tất cả vào, đậy kín, nấu 2 tiếng. Cho gia vị, ăn nóng. Dùng liên tục 10 ngày.
Dùng cho người suy nhược: Cá lóc (1 kg), làm sạch vẩy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc, cho ít nước sôi đun chín, đem gỡ bỏ xương, giã thành nhuyễn cho bông lên, thêm muối tiêu và chút bột gừng lượng thích hợp đảo khô lại trên chảo, để nguội cho vào lọ sạch đậy nắp kín. Dùng cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em suy nhược, gầy yếu chán ăn; ăn kèm trong các bữa ăn từng đợt 5 - 7 ngày.
Lao phổi, suy nhược: Cá lóc 1 con loại vừa (200- 300g): làm sạch vẩy, bỏ ruột, đầu đuôi, cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, thêm gia vị, nước; nấu nhừ. Mỗi tuần ăn 2 - 3 lần. Dùng cho các trường hợp lao phổi, suy nhược...
Tuy nhiên bác sĩ Vũ lưu ý khi có vấn đề về sức khỏe, nên được khám và tư vấn bởi thầy thuốc có chuyên môn. Nếu sử dụng cá lóc như một vị thuốc, cần có tư vấn của thầy thuốc.
Bình luận (0)