Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Cá lau kiếng thuộc loài cá có tên khoa học là Hypostomus plecostomus, một loài cá nhiệt đới. Tại Việt Nam, còn thường được gọi là cá dọn bể, cá lau kiếng hay cá tỳ bà. Chúng là loài cá có thân hình nâu sẫm, da cứng, sần sùi, thô ráp, miệng to giống như miệng bát, gồm nhiều dạng khác nhau. Thân dẹp phẳng như đàn tỳ bà, đầu dẹp phẳng, vây lưng cao, cứng và thẳng đứng, vây ngực rộng và xòe như cánh phi cơ, vây đuôi nhỏ, dày, cuốn đuôi không dẹt xuống.
Thức ăn chính của cá lau kiếng là các loại rong, rêu, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy. Cá được xem là chuyên gia ăn rêu và dọn chất nhớt ở thành bể và đáy bể, cá thích hợp thả nuôi chung với nhiều loài.
Với trường hợp tử vong của bé gái, cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận nên không thể biết nguyên nhân tử vong của bé.
Cá lau kiếng là một họ cá lớn gồm nhiều chi, loài khác nhau. Bản chất trong cá lau kiếng không chứa nọc độc, hiện trên thế giới chưa ghi nhận tử vong do ăn loại cá này.
Tuy nhiên có một số loài cá có hình dạng giống cá lau kiếng có chứa nọc độc ở vây lưng và vây ngực, được sử dụng để tự vệ chống lại kẻ săn mồi và được nạp đầy bởi các mô tuyến dưới biểu mô. Khi bị cắn, chích bởi các loài cá này, nọc độc gây ra các tình trạng viêm khác nhau với ban đỏ, phù nề, xuất huyết cục bộ và hoại tử mô.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xảy ra là nhịp tim nhanh, suy nhược, hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, dị cảm, chóng mặt và suy hô hấp dẫn đến tử vong. Do đó, nên cẩn thận khi bắt, ăn thịt các loại cá lạ. Vì chúng ta không thể biết rõ được nguồn gốc, cũng như độc chất chứa trong các loại cá này.
Bình luận (0)