Bác sĩ 24/7: Tại sao người gầy mà vẫn có nhiều mỡ nội tạng?

Lê Cầm
Lê Cầm
04/07/2023 09:03 GMT+7

Tôi cao 1,50 mét, nặng 43 kg, cơ thể khá gầy nhưng khi đi đo chỉ số vẫn có nhiều mỡ nội tạng. Xin hỏi bác sĩ vì sao người gầy vẫn có nhiều mỡ nội tạng. Tôi nên ăn uống thế nào để tăng cân mà không bị mỡ nội tạng? (Hồng Anh, 25 tuổi, TP.HCM).

Bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai (khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) trả lời: Chào bạn! Với chiều cao 1,50 mét và cân nặng 43 kg, chỉ số khối cơ thể BMI = 19,1kg/m2 trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên để đánh giá chính xác về thành phần cơ thể, cần phân tích thành phần cơ thể bằng các máy đo chuyên dụng để xác định được tỷ lệ khối cơ, khối mỡ, khối xương, mỡ nội tạng… Với cùng một cân nặng, chiều cao thành phần cơ thể có thể khác biệt giữa các cá nhân.

Bác sĩ 24/7: Tại sao người gầy mà vẫn có nhiều mỡ nội tạng? - Ảnh 1.

Nếu tỷ lệ mỡ cơ thể cao thì khối cơ ít đi, nhìn không thon gọn

Minh họa: Shutterstock

Đối với nhóm thường xuyên vận động, tập luyện khối cơ nhiều, khối mỡ ít sẽ có cơ thể săn chắc, trong khi đó nếu tỷ lệ mỡ cơ thể cao thì khối cơ ít đi, nhìn không thon gọn bằng. Tỷ lệ mỡ/cơ tùy thuộc nhiều vào chế độ ăn uống, tập luyện của mỗi người.

Để tăng cân, tăng cơ và giảm khối lượng mỡ cơ thể cần có chế độ ăn uống hợp lý bao gồm tỷ lệ thích hợp giữa các chất đạm - đường- béo, ăn đủ chất xơ, trái cây, rau xanh và tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Tỷ lệ các chất dinh dưỡng mỗi người còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi, giới tính, thói quen vận động, công việc và bệnh lý kèm theo. 

Do đó, để có chế độ ăn tăng cân thích hợp cho bản thân, bạn nên gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chính xác.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com.

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.