Chúng ta chọn đi ngang, đi xuống hay tiến lên?
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Giang cho biết: Hơn 10 năm trước, vấn đề biến đổi khí hậu chỉ được nói qua nhưng giờ đã hiện hữu hàng ngày. Các tổ chức quốc tế đang rất quan tâm và tập trung giải quyết những vấn đề về môi trường, về biến đổi khí hậu. Điều đó được thể hiện qua các nghị quyết của Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP).
Việt Nam cũng đã cam kết hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta rất nhiều. Sang các nước phát triển sẽ thấy rất nhiều xe điện chạy trên đường. Họ đã đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, sang xe sử dụng nhiên liệu sạch và đã có những hành động cụ thể để thực hiện.
Riêng trong lĩnh vực hàng hải, gần nhất với Việt Nam là Singapore - từ 5 năm trước ngành hàng hải của họ đã tuyên bố lộ trình chuyển đổi xanh, sử dụng nhiên liệu sạch. Họ đã có đội tàu biển điện, cano điện và đang quyết tâm xây dựng trung tâm cung ứng nhiên liệu xanh, sạch cho tàu biển. Tương tự, cảng Amsterdam của Hà Lan cũng đã xây dựng 5 nhà máy sản xuất khí hydrogen với mục tiêu cung ứng nhiên liệu xanh cho tàu biển.
Theo ông Nguyễn Hồng Giang, ngành hàng hải Việt Nam hiện đang có rất nhiều thuận lợi. Tăng trưởng hàng hóa tại cảng biển Việt Nam mỗi năm tăng trưởng 2 con số. Đây là tốc độ rất ấn tượng, gây chú ý đối với các đối tác cũng như bạn bè thế giới. Nhờ đó, nhiều nguồn đầu tư đang đổ dồn về hàng hải Việt Nam, giúp chúng ta có cơ hội trở thành trung tâm hàng hóa hàng hải lớn của khu vực. Cùng với đó, những căng thẳng kinh tế thế giới đang tạo thêm nhiều thuận lợi, dư địa cho Việt Nam.
"Lợi thế thì nhiều, nhưng chúng ta chọn phát triển nào? Chọn đi ngang, đi xuống hay đi lên, tiến lên? Nhìn ra thế giới rồi nhìn lại Việt Nam, thú thực tôi rất băn khoăn vì chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Cộng đồng hàng hải Việt Nam phải mạnh mẽ hơn. Chúng ta xác định chuyển đổi xanh phải mất nhiều tiền nhưng nếu không làm thì còn mất luôn cả tiền. Khi các nước có tuyến vận tải xanh, có tàu xanh thì không bao giờ họ tới những cảng không xanh" - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất.
Thách thức lớn để chuyển đổi xanh
Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp cũng đã trao đổi nhiều kinh nghiệm và đề xuất các chính sách để ngành hàng hải tăng tốc trên hành trình chuyển đổi xanh.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc cảng SSIT, chia sẻ: Ngày 29.12.2022, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1909 về việc công bố tiêu chí Cảng xanh Việt Nam. Đây là một quyết định phù hợp và kịp thời nhằm định hướng phát triển hệ thống cảng xanh. Bộ tiêu chí cảng xanh ra đời năm 2022, được xem là "một khoảng thời gian không quá ngắn để các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện" so với mốc thời gian năm 2030.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, do xuất phát điểm khác nhau về cơ sở hạ tầng, mục tiêu đầu tư khai thác, và vùng hoạt động, một số cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư các phương tiện khai thác chủ yếu sử dụng nhiên liệu dầu. Nếu muốn thay thế bằng phương tiện chạy điện hoặc các dạng năng lượng sạch khác, cần rất nhiều nguồn lực tài chính trong cả ngắn và dài hạn. Trong bối cảnh hậu Covid-19 và nền kinh tế thế giới tăng trưởng chưa như kỳ vọng, các doanh nghiệp cảng và hàng hải đối mặt với thách thức lớn trong việc đầu tư chuyển đổi xanh. Ngoài ra, một số cảng quốc tế đã được đầu tư hiện đại ngay từ ban đầu, hiện cơ bản đạt hoặc gần đạt các tiêu chí cảng xanh, và có thể tự công bố sớm trước thời điểm năm 2030 khi bộ tiêu chí có hiệu lực bắt buộc.
"Hiện tại, chính sách hỗ trợ và ưu đãi chưa rõ ràng, đặc biệt là các cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cảng nhanh chóng đạt các tiêu chí cảng xanh, tăng sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam với khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo tiến độ xanh hóa cảng biển", ông Vũ nhấn mạnh và kiến nghị cơ quan quản lý, Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt nam xem xét các chính sách hỗ trợ.
Bình luận (0)