5 người chết, hơn 500 ngôi nhà hư hỏng do mưa lớn, sạt lở đất

Đình Huy
Đình Huy
31/07/2023 09:34 GMT+7

Thiên tai trong 2 ngày 29 - 30.7 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa lớn, sạt lở, giông lốc trong 2 ngày 29 - 30.7 tại các tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

5 người chết, hơn 500 ngôi nhà hư hỏng do mưa lớn, sạt lở đất - Ảnh 1.

Lúc 1 giờ ngày 31.7, các lực lượng cứu hộ vẫn tìm kiếm nạn nhân thứ 4 trong vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng)

LÂM VIÊN

Trong đó, 5 người chết (Lâm Đồng 3, Bình Thuận 1, Bạc Liêu 1) và 1 người bị vùi lấp (Lâm Đồng), đang mất tích; 89 ngôi nhà bị sập, 446 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; 3.869 ha lúa (Bình Thuận 1.200 ha, Đắk Lắk 2.256 ha, An Giang 413ha) và 184,8 ha hoa màu (Đắk Lắk) bị ngập.

Về chăn nuôi và thuỷ sản, có 31 con gia súc, 275 con gia cầm chết; 12 ha thủy sản thiệt hại; 5 vị trí quốc lộ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn sạt lở, hư hại. Đặc biệt, tại QL20 (đèo Bảo Lộc) bị sạt lở gây ách tắc giao thông.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Không để trường hợp sạt lở tương tự như đèo Bảo Lộc

Ngay sau khi xảy ra sự cố, tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng gồm 200 nhân viên cứu hộ cùng 20 máy xúc, máy ủi tích cực phối hợp tìm kiếm, cứu người bị nạn; tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông, giải tỏa khối lượng đất đá sạt lở.

Bên cạnh đó, tổ chức di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, tập trung khắc phục sạt lở đảm bảo giao thông trên địa bàn. Các vị trí sạt lở trên các tuyến giao thông nội huyện đã được khắc phục và thông suốt.

Trước đó, tối 30.7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người bị nạn; phân luồng giao thông và khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các trục giao thông chính.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt các vùng sườn đồi dốc, bờ kè ta luy dương, đường đèo), các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; lắp đặt biển cảnh báo các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở.

Sạt lở đèo Bảo Lộc: Tìm được nạn nhân thứ tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.