Đó là: Nguyễn Hoàng An, Nguyễn Cao Danh (TP.HCM), Phạm Thị Nhàn, Trịnh Thị Tuyết, Nguyễn Khánh Dương (cùng sống tại Hà Nội).
Để trở thành 5 trong tổng số 50 gương mặt trẻ đại diện Đông Nam Á sang Brunei thi đấu, mỗi thành viên trong nhóm đã phải trải qua vòng tuyển chọn với hơn 2.500 thí sinh.
tin liên quan
Vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểuTối 19.3 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ VN và Báo Tiền Phong tổ chức lễ vinh danh và trao giải Gương mặt trẻ tiêu biểu VN năm 2016.
Biến bãi rác thành công viên hoa
“Để có mặt tại Brunei, chúng mình phải viết 2 bài luận nêu lên quan điểm về một doanh nghiệp thân thiện với môi trường, những dự án chúng mình đã thực hiện liên quan môi trường và sự phát triển bền vững của kinh tế. Bên cạnh đó, mỗi thành viên còn phải chứng minh được bề dày hoạt động xã hội, năng lực và kinh nghiệm bản thân trong thời gian qua. Đây có lẽ là phần khó khăn nhất trong đơn ứng tuyển”, Hoàng An (24 tuổi) nói.
Tuy học từ nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng 5 bạn trẻ có chung niềm đam mê về môi trường và những dự án thân thiện với môi trường.
Hoàng An, chàng trai với dự án Kho báu rác, đã biến một bãi rác thành công viên hoa trong lành (Q.Tân Bình, TP.HCM). Với một khu đất bị ô nhiễm do lượng rác thải sinh hoạt của người dân, An cùng nhóm bạn nghiên cứu xây dựng thành một công viên hoa. Nhóm đã thổi sức sống vào một không gian “chết” với những hàng rào, kệ cây từ gỗ để kêu gọi người dân chung tay tạo mảng xanh thân thiện. Không những thế, qua những buổi trò chuyện mang tên Kho báu rác, nhóm đã hướng dẫn người dân cách xử lý rác thải, tái chế.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành quan hệ quốc tế (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM), An hoạt động trong lĩnh vực truyền thông với mong muốn truyền tải được nhiều thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng. “Nguyện ước của mình là truyền nguồn cảm hứng xanh lan tỏa đến các bạn trẻ qua những loại hình giải trí, phương tiện hiện đại. Hy vọng vấn đề bảo vệ môi trường không còn là điều quá khó khăn trong nhận thức của mỗi người, đặc biệt là người trẻ”, An chia sẻ.
Phạm Thị Nhàn (28 tuổi) và Nguyễn Khánh Dương (24 tuổi) thực hiện dự án Ngân hàng thảo mộc VN - một mô hình được định hướng như một doanh nghiệp xã hội, nhằm bảo tồn và kêu gọi thói quen sử dụng thảo mộc Việt. Nhàn đã tập hợp cũng như trồng các loại thảo mộc bằng phương pháp canh tác sạch, an toàn với môi trường. Hiện nay, Nhàn đang xây dựng ngân hàng dữ liệu về 4.000 loại thảo mộc bản địa VN và phân phối các sản phẩm này trên toàn quốc. Nhàn cũng từng lọt vào tốp 10 lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Đông Nam Á 2016 của New Zealand Foundation, giải Nhân tài đất Việt và giải 3 sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc.
tin liên quan
Tài năng trẻ giành giải thưởng Quả Cầu Vàng giao lưu với sinh viên thủ đôCá nhân giành giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2016 đang giao lưu với thanh niên, sinh viên thủ đô tại ĐH Bách khoa Hà Nội vào tối 29.12.
Đi một chuyến, trồng một cây xanh
Trong chuyến đi, 50 bạn trẻ trên khắp Đông Nam Á đã được gặp gỡ, trao đổi cùng đại diện trụ sở ASEAN tại Indonesia, Bộ trưởng Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Brunei, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Brunei... Tại đây, 5 bạn trẻ VN đã giới thiệu đến diễn đàn mô hình doanh nghiệp xã hội - tận dụng nguồn lực con người của địa phương, tạo lợi nhuận từ vật dụng tái chế và hướng dẫn người dân xử lý các vấn đề môi trường đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế.
Ý tưởng của Nguyễn Cao Danh (24 tuổi) dựa trên nền tảng một website được phát triển dành cho khách du lịch với mong muốn có một kỳ nghỉ thân thiện môi trường, khám phá thiên nhiên. Đối tác của dự án là các khách sạn và nhà cung cấp có thể đáp ứng nhu cầu này của khách hàng. Việc tham gia vào dự án đồng nghĩa việc nhà cung cấp cam kết chung tay cải thiện môi trường với khẩu hiệu của dự án “Plan a trip, plant a tree” - “Đi một chuyến, trồng một cây xanh”.
Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ là những người trực tiếp đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của từng dịch vụ mà mình trải nghiệm theo chuẩn mực riêng của hệ thống. Các khách sạn sẽ được đánh giá theo chuẩn mực mới là ngôi sao xanh lá gồm từ 1 đến 5.
Trịnh Thị Tuyết (25 tuổi) đưa ra mô hình ACES (ASEAN Community Ecotourism and Sustainability) trình bày ý tưởng về một mô hình cung cấp thông tin (gồm ấn phẩm, hướng dẫn cách làm, bộ công cụ, hỏi đáp với chuyên gia) về du lịch xanh cho các doanh nhân trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này cũng như các cơ hội về gây quỹ, đầu tư, hội thảo, sự kiện. Mô hình này hứa hẹn sẽ là nơi hoạt động sôi nổi và kết nối tuyệt vời giữa những người trẻ đam mê và chuyên gia về du lịch xanh.
Với những ý tưởng xuất sắc và mang tính thực tiễn cao như trên, các bạn trẻ VN đã chiến thắng và tiếp tục được tập huấn tại Philippines vào tháng 4 tới.
Không chỉ chiến thắng ý tưởng doanh nghiệp xanh, trong chuyến đi này 5 bạn trẻ đã học được rất nhiều và bắt đầu lên ý tưởng áp dụng tại quê nhà. Hoàng An chia sẻ thêm, cả nhóm đã học được khẩu hiệu của diễn đàn “Biến bảo vệ môi trường trở nên thời thượng và quyến rũ” bằng cách sử dụng mạng xã hội với những nội dung, hình ảnh thiết kế đẹp mắt, tươi trẻ để thu hút giới trẻ cùng chung tay bảo vệ màu xanh cho nhân loại.
“Điều tuyệt vời hơn là tụi mình được trải nghiệm thực tế mô hình làm du lịch bền vững của người dân Brunei, với những điển hình trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống và phát triển kinh tế xanh. Nên sau chuyến đi, tụi mình đã có một số ý tưởng và muốn áp dụng mô hình này tại VN”, Hoàng An tâm đắc.
tin liên quan
Muốn làm công dân toàn cầu trước tiên phải là công dân tử tếTrước khi trở thành công dân toàn cầu thì mỗi bạn trẻ cần rèn luyện để trở thành công dân Việt Nam tử tế.
Bình luận (0)