Vẽ là một năng khiếu nhưng không có nghĩa không học được
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng có 5 tố chất cơ bản một người theo đuổi công việc liên quan đến thiết kế, kiến trúc cần có.
Đầu tiên, theo ông đó là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Hai yếu tố này trong từng lĩnh vực yêu cầu khác nhau, với kiến trúc và kỹ thuật, sự tỉ mỉ thể hiện qua từng nét vẽ, màu sắc, ý tưởng sáng tạo để tạo ra bức tranh hay công trình kiến trúc vốn vô tri trở lên có hồn.
Thứ hai là năng lực sáng tạo nhưng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, sự sáng tạo vượt thời gian. Có những công trình kiến trúc vĩ đại luôn gắn liền với các kiến trúc sư vĩ đại, nhưng khi không trở thành người vĩ đại thì với người làm công việc chuyên môn có năng lực tốt vẫn cần yếu tố này.
"Vẽ là một năng khiếu nhưng không có nghĩa không học được", tiến sĩ Viên khẳng định. Ông kể lại câu chuyện bản thân, dù học quản lý đất đai nhưng giai đoạn đầu ĐH bản thân ông cũng phải học 2 môn rất cơ bản liên quan đến vẽ và tô màu.
"Chính 2 môn này giúp chúng ta nhận thức xa hơn trong tương lai nghề nghiệp, rèn luyện sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Dù hiện nay máy móc đã hỗ trợ nhiều nhưng vẫn cần thiết học vẽ bằng tay vì qua đó rèn giúp ý tưởng sáng tạo, vẽ đẹp, tô không lem, tô đúng màu. Đây là những bài học đầu tiên mà kiến trúc sư tương lai phải bắt đầu khi ngồi trên ghế nhà trường", tiến sĩ Viên chia sẻ.
Cũng theo ông Viên, công việc nào cũng cần sự đam mê. Nhưng liên quan nghệ thuật càng cần sự đam mê bất tận, đam mê công trình, đam mê cái đẹp.
"Một điều quan trọng nữa là phải chấp nhận khổ. Kiến trúc sư nhìn bên ngoài rất hào nhoáng nhưng họ làm việc rất vất vả, cần có khả năng chịu đựng", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức nói thêm.
'Người vẽ đẹp và vẽ không đẹp không còn khác nhau nhiều…'
Tiến sĩ-kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, giảng viên khoa Kiến trúc-Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có những phân tích kỹ lưỡng về vai trò của môn vẽ với ngành học này.
Theo kiến trúc sư, trước đây khi máy móc khoa học chưa phát triển, kiến trúc sư phải sử dụng chính đôi tay của mình để vẽ nên các bản vẽ kiến trúc. Nhưng hơn 10 năm nay, với sự phát triển của công nghệ, sự khác biệt giữa người vẽ đẹp và vẽ không đẹp trong học kiến trúc giảm đi nhiều.
"Nhưng, việc ngồi vẽ, thực hành môn vẽ trên ghế nhà trường không chỉ là vẽ, mà chính là thời gian rèn luyện tư cách, tính kiên nhẫn, phương pháp gần nhất chạm đến cảm xúc thẩm mỹ", kiến trúc sư Hiếu nhìn nhận.
Trước câu hỏi của học sinh về việc "vẽ không đẹp nhưng thích thiết kế và có nhiều ý tưởng thì có bị thiệt thòi hay không", ông Hiếu khẳng định là "không". Ông Hiếu phân tích, nên bắt nguồn từ niềm đam mê trước, đó là cốt lõi để làm việc trong các ngành này.
"Hiện nay máy móc hỗ trợ rất nhiều, sinh viên phải học thêm những môn bổ trợ về máy móc, phần mềm và các công nghệ hỗ trợ hoạt động này. Vẽ không phải làm nghề mà để tự rèn luyện bản thân các đức tính cần thiết cho con đường chạm đến với cảm xúc thẩm mỹ của kiến trúc sư", ông Hiếu nói thêm.
Theo ông Hiếu, sự chăm chỉ cần cù không chỉ ngành thiết kế kiến trúc sư mà với tất cả ngành nghề. Sự nghiêm túc theo nghĩa đơn thuần chính là sự chăm chỉ cần cù, ngoài hiệu quả trong công việc còn nhằm rèn luyện tính tập trung để công việc được xử lý một cách tốt nhất.
Các chuyên gia đưa ra nhận định trên trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kỹ thuật-mỹ thuật-thiết kế-kiến trúc" của Báo Thanh Niên ngày 7.3.
Bình luận (0)