5 nước thu hút nhiều nhà khoa học nhất

14/06/2012 03:00 GMT+7

Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) vừa công bố nghiên cứu quốc tế đầu tiên về số nhà khoa học nhập cư ở 16 nước.

Theo đó, Thụy Sĩ chiếm tỷ lệ cao nhất (57,6%) trong số nhà khoa học nhập cư ở 16 nước, kế đến là Canada (46,5%), Úc (44,5%), Mỹ (38,4%) và Thụy Điển (37,6%). Trong khi đó, nước có tỷ lệ này thấp nhất là Ấn Độ (0,8%), theo sau lần lượt là Ý (3%), Nhật Bản (5%), Brazil (7,1%) và Tây Ban Nha (7,3%). Kết quả này được đưa ra hồi tháng rồi sau khi các nhà nghiên cứu Mỹ và Ý khảo sát ý kiến của hơn 17.000 tác giả có công trình nghiên cứu về sinh học, hóa học, khoa học về môi trường, trái đất và vật liệu được xuất bản năm 2009, theo trang tin World University News.

Những tác giả này là nhà khoa học nhâp cư đang sống và làm việc ở 16 quốc gia, gồm Anh, Ấn Độ, Canada, Brazil, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Úc và Ý. Nghiên cứu mới định nghĩa nhà khoa học nhập cư là người sống bên ngoài đất nước của họ lúc 18 tuổi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy “hiệu ứng nước láng giềng” chi phối phần lớn điểm đến của các nhà khoa học nhập cư. Chẳng hạn, Đức là nước có nhiều nhà khoa học đến Đan Mạch và Na Uy; Argentina, Colombia và Peru là nguồn cung nhà khoa học quan trọng cho Brazil. Mỹ là nguồn cung nhà khoa học nước ngoài chủ yếu cho Canada, trong khi Nhật là nước có thể nhận nhiều nhà khoa học nhất từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, theo nghiên cứu mới, các nhà khoa học Ấn Độ và Thụy Sĩ có tính di động nhất, trong khi những nhà khoa học Mỹ lại ít di chuyển nhất.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện bất kể quốc gia nào đi nữa, cơ hội cải thiện tương lai, người cùng làm việc là những lý do quan trọng nhất khiến các nhà khoa học di chuyển.

Minh Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.