Chiều 24.3, Bộ GD-ĐT đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến xây dựng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào bằng điểm thi thay thế điểm sàn cũ với sự tham dự của đại diện các trường ĐH, CĐ trong và ngoài công lập tại TP.HCM.
Tại cuộc họp, trên cơ sở các phương án đề xuất của chuyên gia và đại diện một số trường, Bộ đã tập hợp 5 phương án để lấy ý kiến các đại biểu tham dự hội nghị.
Cụ thể, phương án 1 sẽ phân tần theo tổng điểm 3 môn thi. Theo đó, điểm sàn này được tính trên cơ sở phổ điểm và đảm bảo nguồn tuyển vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với mỗi khối thi, xác định ba mức điểm sàn (cao, trung bình và thấp), trong đó điểm môn ưu tiên theo ngành đào tạo và được nhân hệ số.
Phương án 2 là phân nhóm, tổng điểm 3 môn theo khối thi được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm của từng môn thi và ngưỡng điểm tối thiểu với môn chính của từng ngành.
Phương án 3 kết hợp ngưỡng chất lượng theo khối thi và môn thi. Trong đó, điểm sàn là tổng điểm 3 môn được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm tổng 3 môn thi theo khối thi. Đối với mỗi khối thi có 3 mức điểm sàn (cao, trung bình, thấp) để các trường lựa chọn. Điểm tối thiểu theo từng môn thi tương ứng với ngành đào tạo được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm của từng môn thi, đối với mỗi môn thi có 3 mức trên để các trường lựa chọn.
Trong khi đó, phương án 4 điểm sàn xác định theo đặc thù vùng miền chia theo khu vực tuyển sinh gồm: miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, bắc Trung bộ, nam Trung bộ và Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Trên cơ sở thống kê điểm của thí sinh thi vào trường trong khu vực theo khối thi, chia nhóm kết quả theo từng khối thi, các trường tùy theo khả năng tuyển sinh của mình xác định nhóm tuyển sinh phù hợp.
Phương án 5 tính theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị bằng phương pháp chia phổ điểm 3 môn thành 4 mức, các trường tùy theo khả năng tuyển sinh ưu tiên gọi thí sinh trúng tuyển theo các ngưỡng khác nhau.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đang trong quá trình tập hợp ý kiến của các chuyên gia, các trường về xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay thế điểm sàn cũ. Trên cơ sở các ý kiến này, Bộ sẽ chính thức đưa ra các phương án để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội trước khi chọn phương án cuối cùng. Cũng theo ông Tuấn, dù phương án nào được chọn thì tiêu chí này phải đảm bảo chất lượng đầu vào đủ kiến thức và năng lực để học ĐH và CĐ, đảm bảo nguồn tuyển cho các trường, phân luồng... Đặc biệt, các tiêu chí này phải được xác định dựa trên kết quả thi của thí sinh.
Hà Ánh
Bình luận (0)