Theo trang Gizdomo ngày 22.7, nhà đấu giá Sotheby’s đã bán thành công 3 đoạn phim ghi lại cảnh tàu vũ trụ Apollo 11 đáp xuống mặt trăng với giá 1,82 triệu USD (khoảng 42 tỉ đồng). Sotheby’s khẳng định những đoạn phim này chưa hề được nâng cấp hay chỉnh sửa và là những hình ảnh nguyên bản nhất, rõ ràng nhất về khoảnh khắc con người đặt chân lên mặt trăng.
Hồi năm 1976, thực tập sinh Gary George tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã bỏ ra 217,77 USD (khoảng 980 USD theo giá trị hiện nay) để mua 3 đoạn phim nói trên, để rồi giờ đây thu về số tiền khổng lồ từ một người mua được giấu danh tính. Trước đó, nhiều hoạt động kỷ niệm sôi nổi cũng đã diễn ra tại nhiều nơi ở Mỹ nhằm đánh dấu một trong những thành tựu đột phá nhất trong công cuộc chinh phục vũ trụ của con người.
Ngày 16.7.1969, tên lửa Saturn V mang tàu vũ trụ Apollo 11 phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy (KSC) ở đảo Merritt, bang Florida cùng với sứ mệnh được Tổng thống Mỹ John F.Kennedy đề ra nhiều năm trước là phải “đưa một người lên mặt trăng và quay về trái đất an toàn trước khi thập niên 1960 kết thúc”. Vào năm 1961 - thời điểm Tổng thống Kennedy đưa ra tuyên bố trên, NASA mới chỉ thực hiện vỏn vẹn chuyến bay kéo dài 15 phút ngoài không gian của phi hành gia Alan Shepard. Liên Xô khi đó áp đảo hoàn toàn trong cuộc đua vào vũ trụ với việc đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo (Sputnik), có người đầu tiên du hành vũ trụ (Yuri Gagarin) và có các tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên.
Do đó, nhiệm vụ đưa người lên mặt trăng và trở về an toàn được mô tả là bất khả thi. “Quả là một tuyên bố không thể tin được vào thời điểm đó. Nó cần lòng dũng cảm lớn lao để thực hiện”, ông John Tribe, một trong những nhà khoa học tên lửa thế hệ tiên phong tại KSC kể với AP.
Với sự hợp sức của khoảng 400.000 con người làm việc trong suốt 8 năm, ngày 20.7.1969, phi hành gia Neil Armstrong cùng đồng đội Buzz Aldrin đáp thành công mô đun Eagle lên mặt trăng. Hơn 6 tiếng sau, Armstrong ra khỏi Eagle và đặt chân lên mặt trăng, ghi danh vào sử sách. “Đó là một bước đi nhỏ của một người nhưng là cú nhảy vọt của nhân loại”, ông Armstrong thốt lên câu nói giờ đây trở thành một phần của lịch sử. Sau đó 18 phút, ông Aldrin cũng tiếp bước và 2 người nhanh chóng ghi hình, cắm cờ Mỹ, gắn thiết bị khảo sát địa chất và máy phát laser, thu thập sỏi đá trong khi ông Michael Collins điều khiển tàu mẹ Columbia bay trên quỹ đạo mặt trăng.
Thời điểm đó, khoảng 650 triệu người trên khắp thế giới theo dõi sự kiện qua màn ảnh nhỏ và radio, theo Reuters. Trong cuộc gọi chúc mừng, Tổng thống Richard Nixon nói: “Đây là khoảnh khắc vô giá trong toàn bộ lịch sử nhân loại khi tất cả mọi người trên trái đất thật sự hòa làm một”. Hai phi hành gia lưu lại bề mặt mặt trăng khoảng 2 giờ 30 phút rồi lên tàu và quay về tàu mẹ. Cả ba đáp xuống Thái Bình Dương vào ngày 24.7.1969 và phải ở trong khu cách ly hơn 2 tuần trước khi được chào đón như những người hùng với chuyến đi vòng quanh thế giới.
Chưa có ai quay trở lại mặt trăng từ khi NASA kết thúc chương trình Apollo vào năm 1972 dù nhiều đời tổng thống sau đó đều cam kết khôi phục. Gần đây nhất, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tái khởi động cuộc chinh phục mặt trăng vào năm 2024 và xa hơn là sao Hỏa.
Sau Apollo 11, có thêm 5 chuyến du hành đưa các phi hành gia đặt chân lên mặt trăng trước khi chương trình chấm dứt vào năm 1972. Tổng cộng, chỉ có 12 người đặt chân lên mặt trăng và hiện 4 người còn sống, theo AFP. NASA ước tính toàn bộ chương trình Apollo đã tiêu tốn số tiền 25 tỉ USD, tính theo giá trị hiện nay là hơn 150 tỉ USD.
|
Bình luận (0)