|
Khởi công ngày 1.4.1961, thủy điện Đa Nhim là một trong những công trình thủy điện lớn đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Nhờ sự hỗ trợ vốn từ Chính phủ Nhật Bản và sự tham gia của các kỹ sư Nhật thời điểm đó, tới ngày 15.1.1964, nhà máy Đa Nhim chính thức phát điện tổ máy đầu tiên.
Tại lễ kỷ niệm, ngài Michino Daito, Tham tán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Lịch sử hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam được đánh dấu từ năm 1955, khi Nhật Bản bắt đầu thiết kế chương trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đa Nhim để thực hiện bồi thường chiến tranh tại Việt Nam. Từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1994, Nhật Bản cũng tiếp tục tài trợ để sửa chữa, đại tu công trình này. Thủy điện Đa Nhim chính là minh chứng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”.
Theo ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, tính từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến năm 1988, khi Nhà máy thủy điện Trị An hòa lưới, Nhà máy thủy điện Đa Nhim là nguồn điện chủ yếu của miền Nam. Trước khi có đường dây 500 kV Bắc Nam hoàn thành (1994), sản lượng điện hàng năm của Đa Nhim chiếm tỷ trọng đáng kể trong Công ty điện lực 2. Trong giai đoạn nhu cầu về điện năng của các tỉnh phía Nam ngày càng gia tăng, nhưng chi phí nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy dầu quá cao, thủy điện Đa Nhim đã vận hành, khai thác tối đa công suất, góp phần đáng kể trong việc giữ gìn ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Đến nay, Đa Nhim đã phát được gần 38 tỉ kWh điện trong tổng số 59 tỉ kWh điện của cả Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Là nhà máy có nửa thế kỷ vận hành, nhưng Đa Nhim được đánh giá là nhà máy thủy điện có hiệu suất sử dụng nước tốt nhất Việt Nam hiện nay, với điện năng bình quân đạt khoảng 1 tỉ kWh/năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định cùng với chức năng chính là phát điện, thủy điện Đa Nhim đã thực hiện chuyển nước từ lưu vực thượng sông Đồng Nai xuống địa bàn các huyện phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận - một khu vực ít mưa và khô hạn nhất trong cả nước. Hàng năm, khoảng hơn 550 triệu m3 nước sau khi chạy qua máy phát điện đã được đưa về tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. Việc điều tiết nước qua thủy điện Hàm Thuận cũng góp phần bảo đảm nước tưới và chống lũ cho vùng hạ du sông La Ngà, tạo nên những cánh đồng trù phú của tỉnh Bình Thuận.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Nhà máy thủy điện Đa Nhim trong suốt nửa thế kỷ vận hành, cùng với những nỗ lực của cả tập thể cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận Đa Mi, trong việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế và kế hoạch sản xuất trong năm 2013, với sản lượng điện 2,924 tỉ kWh, đạt 113% kế hoạch, doanh thu đạt gần 130% kế hoạch.
Ông Hoàng Trung Hải cũng đề nghị Đa Nhim quản lý vận hành tốt các nhà máy điện, phát huy tốt các mặt hiệu ích của công trình (cấp điện, chống lũ, cấp nước), tham gia có hiệu quả vào thị trường điện cạnh tranh…; đồng thời, thực hiện tốt công tác đầu tư, chuẩn bị đầu tư mở rộng nhà máy Đa Nhim một tổ máy có công suất 80 MW sử dụng nguồn vốn tài trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản, góp thêm công suất, điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Linh Phạm
Bình luận (0)