Chủ tịch Fidel Castro là người cao lớn, lực lưỡng, khác biệt với thể trạng chung của người VN. Chính vì thế, cần những chiếc giường "ngoại cỡ" để phục vụ việc nghỉ ngơi cho lãnh tụ trong chuyến đến vùng giải phóng. Trong mấy ngày di chuyển từ Quảng Bình vào Quảng Trị, ông không chỉ có một chiếc giường.
CHIẾC GIƯỜNG TRÊN ĐỒI GIAO TẾ
Di tích lịch sử cấp quốc gia Cơ quan Giao tế - Chuyên gia (gọi tắt là Khu Giao Tế Quảng Bình) nay tọa lạc ở thôn Giao Tế (xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình), được thành lập năm 1954 và giải thể tháng 7.1988. Trong 34 năm thực hiện sứ mệnh ngoại giao, cơ quan này đã đón tiếp trên 450 đoàn khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, vào những ngày giữa tháng 9.1973, nơi đây vinh dự đón và phục vụ đoàn khách cao cấp của Cuba do lãnh tụ Fidel Castro dẫn đầu. Tại đây lãnh đạo Cuba đã nghỉ lại, trước khi thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị.
Đã qua ngót 50 năm, nhưng lần tiếp đón vị Chủ tịch ở bên kia bán cầu đến thăm vẫn còn y nguyên trong ký ức của ông Lê Vĩnh Quán (83 tuổi, trú thôn Giao Tế, xã Đức Ninh). Ông nguyên là cán bộ công an vũ trang, biệt phái qua phụ trách công tác ngoại vụ của Ủy ban hành chính tỉnh ở Khu Giao Tế Quảng Bình từ năm 1968 (giữ chức Phó cơ quan Giao Tế).
"Ngày đó tôi được theo chân Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là ông Lại Văn Ly ra sân bay Đồng Hới đón đoàn, đưa về Khu Giao Tế Quảng Bình. Công tác chuẩn bị khi ấy dù khẩn trương nhưng bí mật, an ninh được thắt chặt. Có khoảng 20 người như chúng tôi, được tuyển chọn, cắt cử việc phục vụ đoàn", ông Quán kể.
Điều làm ông Quán nhớ nhất trong quá trình chuẩn bị nghiêm túc ấy chính là câu chuyện về chiếc giường của Fidel. Chuyện rằng những chiếc giường ở Khu Giao Tế Quảng Bình được đóng bằng gỗ với kích thước của một người Việt Nam bình thường (dài khoảng 1,8 m, rộng 1,4 m). Ngặt nỗi, Chủ tịch Fidel Castro quá cao lớn nên chắc chắn nằm không vừa. Ngay lập tức, bộ phận hậu cần đã gọi thợ mộc lành nghề thay thanh giường 2 bên, kéo chiếc giường ra thành chiều dài hơn 2 m. "Khi nhìn thấy chiếc giường, Chủ tịch Fidel đã cười, tỏ vẻ ưng ý", ông Quán nhớ lại.
Theo ông Quán, Chủ tịch Fidel Castro được bố trí ở một căn phòng hiện vẫn còn được bảo tồn, lưu giữ ở Khu di tích Giao Tế Quảng Bình. Trong căn phòng này, một chiếc giường gỗ "ngoại cỡ" được đóng cấp tốc cùng chăn, nệm và gối để lãnh tụ cách mạng Cuba nghỉ lại. Căn phòng cũng được chuẩn bị tủ để áo quần, đồ dùng cần thiết và một bộ ghế salon, một bàn làm việc riêng.
"Ngày đó, vì lý do an ninh, tôi không có mấy cơ hội được tiếp xúc gần với lãnh tụ Cuba. Nhưng dù chỉ nhìn từ đằng xa, tôi vẫn sẽ không quên hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro với vóc người cao lớn cùng bộ râu dài kín cằm. Tôi tự hào vì đã phục vụ một người vĩ đại như ông", ông Quán nói.
Hiện ở Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (TT.Cam Lộ, H.Cam Lộ, Quảng Trị) có trưng bày nhiều kỷ vật về mối quan hệ Việt Nam - Cuba, trong đó có 1 chiếc giường được cho là Chủ tịch Fidel sử dụng năm xưa. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H.Cam Lộ, xác nhận đó không phải chiếc giường nguyên bản mà được ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị phục dựng lại, phục vụ việc trưng bày.
NGƯỜI PHỤ TRÁCH ĐÓNG GIƯỜNG CHO FIDEL Ở QUẢNG TRỊ
Trong con hẻm nhỏ ở KP.7 (P.3, TP.Đông Hà, Quảng Trị) là nơi sinh sống của ông Lê Đăng Ninh (88 tuổi) cùng vợ. Nếu không tìm hiểu, thật khó để biết rằng, cụ ông nay đã mắt yếu, chân run này từng được giao một trọng trách khá đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro đến vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Ông chính là người phụ trách việc thi công cổng chào phía nam sông Bến Hải, đóng giường cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro và tham gia làm lễ đài tổ chức mít tinh chào đón sự ra mắt của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại H.Cam Lộ.
Ông Ninh cho biết, đầu năm 1972, ông là Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong 771. Sau đó, ông được điều chuyển về làm Đội trưởng đội xây dựng của đơn vị 19.5 (đơn vị chuyên xây dựng trụ sở làm việc, hầm hào, lán trại phục vụ kháng chiến cho tỉnh Quảng Trị, Đặc khu Vĩnh Linh). "Mới nhận nhiệm vụ chưa lâu thì đội của tôi được giao liền 3 việc hệ trọng thời bấy giờ, nói thật là vừa mừng vừa lo", ông Ninh kể.
Theo ông Ninh, tất cả các nhiệm vụ trên đều phải giữ bí mật hoàn toàn; nhưng khi được giao, các thành viên của đội đều không giấu được niềm tự hào dù cứ thế "ai vào việc nấy" trong âm thầm lặng lẽ. Tất cả mọi việc đều tiến hành vào ban đêm.
Với chiếc giường đóng riêng cho Chủ tịch Fidel Castro, ông Ninh cho hay ông đã cắt cử 3 người thợ trực tiếp làm. "Chiếc giường dài đến 2,6 m, rộng 1,2 m
để phù hợp với thể hình của Chủ tịch Fidel Castro. Những người thợ của đội xây dựng chúng tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được trực tiếp đóng nên chiếc giường đó", ông Ninh xúc động nói.
Những ngày tháng 9 lịch sử này, không khí chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro đặt chân đến vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị năm xưa càng trở nên sôi nổi. Cụ ông 88 tuổi cũng thấy rạo rực trong lòng. Sự tự hào của ông là dễ hiểu, khi đã góp một phần công sức vào sự kiện lịch sử đặc biệt, có một không hai ở vùng đất thép... (còn tiếp)
Chuyến thăm của Chủ tịch Fidel đến nay được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, để lại dấu ấn không chỉ trên lĩnh vực ngoại giao, mà còn cả trong trái tim của nhiều người dân Việt Nam. Ngày 15.9.1973, tại Cứ điểm 241 ở Cam Lộ (còn gọi "căn cứ Carol"), nơi từng là trận địa pháo còn ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo và nồng mùi thuốc súng, Chủ tịch Cuba Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lá cờ bách chiến bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên Huế, dõng dạc hô vang: "Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm giữa Sài Gòn".
Trong chuyến thăm Quảng Trị, Chủ tịch Cuba Fidel Castro vượt qua Dốc Miếu, nơi có hàng rào điện tử McNamara để đến thăm Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở H.Cam Lộ, nơi chỉ cách căn cứ quân sự của Mỹ hơn 10 km.
Bình luận (0)