Đơn tường trình của các ngư dân gửi Đại sứ quán VN tại Indonesia - Ảnh: Hiển Cừ |
Trong số các ngư dân đang sống vất vưởng tại Indonesia có 20 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) và 30 ngư dân Phú Quý (Bình Thuận), đi trên 4 tàu cá, gồm: QNg-96259TS do ông Lê Văn Hạnh (41 tuổi, ở Lý Sơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 9 ngư dân; tàu QNg-96279TS do ông Bùi Thuyết (57 tuổi, Lý Sơn) làm thuyền trưởng, có 11 ngư dân; tàu BTH-99788TS do ông Trần Hoảng (43 tuổi, ở Phú Quý) làm thuyền trưởng, có 16 ngư dân và tàu BTH-99029TS do ông Nguyễn Văn Hiệp (34 tuổi, Phú Quý) làm thuyền trưởng, có 14 ngư dân.
Theo đơn tường trình của các ngư dân, 4 tàu cá cùng 50 ngư dân Phú Quý và Lý Sơn qua Indonesia khai thác hải sản vào đầu tháng 10.2010 và tháng 1.2011 theo hợp đồng ký kết với Công ty CP đầu tư Đại Dương, trụ sở tại đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn (Bình Định) do ông Đỗ Anh Dũng làm giám đốc và Công ty Dong Do Trading Co., Ltd, trụ sở tại đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM do ông Nguyễn Trấn Biên làm giám đốc.
Sau khi đến Indonesia, cả 4 tàu cá nói trên đều đổi sang số hiệu của nước sở tại rồi nhiều tháng liền bị bỏ rơi, nằm “chết dí” khiến ngư dân rơi vào cảnh khốn khó, lương thực, tài chính mang theo cạn kiệt, đành phải sống nương nhờ vào một nhà thờ ở Timika, nhiều người ốm đau không có thuốc để điều trị. Cuối tháng 3.2011, họ đã làm đơn gửi Đại sứ quán VN tại Indonesia nhờ can thiệp để sớm được đoàn tụ với gia đình.
Trong đơn tường trình của thuyền trưởng tàu cá QNg-96259TS Lê Văn Hạnh, được Đại sứ quán VN tại Indonesia chuyển cho Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi, cho biết: Để được sang ngư trường Indonesia đánh bắt, các ngư dân đã vay mượn, thế chấp nhà cửa mới có đủ 600 triệu đồng để nộp cho ông Dũng và ông Biên ngay tại VN theo như hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra hai bên còn thỏa thuận miệng, mỗi tàu nộp tiếp một khoản tiền đặt cọc là 20.000 USD sau khi đến Indonesia. Nếu trong vòng 1 năm, các tàu không gia hạn hợp đồng đánh bắt tại Indonesia nữa thì công ty sẽ trả lại tiền đặt cọc. Tuy nhiên khi đến cảng Bomaco Timika Papua (Indonesia) vào ngày 24.1.2011, thì hai vị giám đốc đã nâng số tiền lên 55.000 USD nên hai tàu cá ở Lý Sơn đều không có tiền nộp. Vì thế, hai bên đã đồng ý đưa tàu cá trở về VN trong thời gian sớm nhất và hứa sẽ trả lại các khoản chi phí mà ngư dân đã nộp sau khi về đến VN. Dù vậy, sau hơn 2 tháng đợi chờ, 2 công ty vẫn không làm thủ tục cho 2 tàu cá cùng 20 ngư dân Lý Sơn trở về nước. 2 tàu cá cùng 30 ngư dân ở Phú Quý cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ngay sau khi nhận được công điện của Đại sứ quán VN tại Indonesia, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn chỉ đạo công an tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh vụ việc để có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ, sớm đưa ngư dân về nước.
Chiều 20.4, tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Đỗ Anh Dũng - Giám đốc Công ty CP đầu tư Đại Dương - khẳng định việc công ty đưa 4 tàu cá ở Quảng Ngãi và Bình Thuận khai thác ở vùng biển Indonesia là hoàn toàn hợp pháp, đã được Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNN) cấp phép vào tháng 6.2010. Ông Dũng cho biết Công ty Dong Do Trading Co. Ltd hoàn toàn không dính dáng đến vấn đề này. Chiều cùng ngày, lãnh đạo Công ty Đại Dương cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi. Theo biên bản làm việc, ông Dũng cho rằng 2 tàu cá ở Bình Thuận bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ, xử phạt là do vi phạm vùng đánh bắt theo hợp đồng. Riêng 2 tàu cá Quảng Ngãi bị vướng mắc thuế nhập khẩu theo quy định của nước sở tại nên chưa thể ra khơi. Đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi đã yêu cầu Công ty Đại Dương phải tự thỏa thuận và giải quyết việc phát sinh các khoản chi phí với đại diện chủ tàu cá. Ông Dũng cho biết hiện công ty đã hoàn tất thủ tục cho 2 tàu cá ở Bình Thuận về nước và 2 tàu cá Quảng Ngãi cũng sẽ được giải quyết trở về. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)