Có 54 trong số 232 đại cử tri đảng Dân chủ (chiếm 1/4 trong tổng số) và chỉ một đại cử tri trong số 306 đại cử tri đảng Cộng hòa là Chris Suprun ký vào lá thư ngỏ, yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cung cấp thông tin tình báo trước khi họ tiến hành bỏ phiếu chính thức bầu Tổng thống Mỹ vào ngày 19.12 tới, theo trang tin UPI (Mỹ) ngày 14.12.
Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 8.11 chỉ xác định trong số 538 đại cử tri (gồm 306 đại cử tri đảng Cộng hòa và 232 đại cử tri đảng Dân chủ) có 306 phiếu đại cử tri ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump so với 232 phiếu của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Vào ngày 19.12, các đại cử tri chính thức bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ và ông Trump phải có được ít nhất 270 lá phiếu mới thật sự giành chiến thắng.
Về phiếu phổ thông, có 65.759.248 phiếu ủng hộ bà Clinton so với ông Trump là 62.915.888, theo số liệu của trang Cook Political Report (Mỹ) ngày 14.12.
“Các đại cử tri yêu cầu được cung cấp thông tin tình báo để xác định liệu cộng đồng tình báo đang tiến hành điều tra mối quan hệ giữa Donald Trump, ban vận động tranh cử của ông ta và chính phủ Nga bị cáo buộc phá hoại cuộc bầu cử, phạm vi cuộc điều tra, tiến độ cuộc điều tra ra sao”, lá thư ngỏ này được đăng tải công khai trên trang Medium.
“Chúng tôi yêu cầu được cung cấp thông tin ngắn gọn về các kết quả điều tra, bởi vì điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc quyết định liệu ông Trump có đủ điều kiện làm Tổng thống Mỹ”, cũng theo lá thư.
Lá thư ngỏ này do các đại cử tri đảng Dân chủ lập ra ngày 12.12 để phản đối ông Trump, ban đầu chỉ có 10 chữ ký, và họ nỗ lực vận động các đại cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ. Tuy nhiên đến ngày 14.12 chỉ có một đại cử tri đảng Cộng hòa là ông Suprun (bang Texas).
Giáo sư Larry Lessig thuộc Đại học Harvard nhận định có khoảng 20 đại cử tri đảng Cộng hòa cân nhắc bỏ phiếu chống lại ông Trump vào ngày 19.12. Các đại cử tri đảng Dân chủ chỉ cần 37 đại cử tri đảng Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông Trump để ngăn chặn ông giành chiến thắng, theo ông Lessig. Nhưng các đại cử tri đảng Dân chủ phản đối ông Trump từng thừa nhận khó có thể thuyết phục đủ 37 đại cử tri đảng Cộng hòa.
Nga trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ sau khi bà Clinton cáo buộc Nga tấn công mạng, trộm email của các lãnh đạo đảng Dân chủ, bao gồm của chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Clinton, rồi cung cấp cho Wikileaks. Wikileaks đã công bố hàng ngàn email, phanh phui nhiều vụ bê bối và thông tin bất lợi cho bà Clinton.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama vào tháng 10.2016 đã chính thức cáo buộc chính phủ Nga cố “phá hoại” cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tấn công mạng nhắm vào các lãnh đạo đảng Dân chủ. Điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc này.
Tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 9.12 đưa tin Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã kết luận Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại bà Clinton với mục tiêu giúp ông Trump thắng cử. Ngay sau đó, ông Obama đã lệnh cho các cơ quan tình báo nộp báo cáo đầy đủ liên quan đến cáo buộc Nga phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Đến ngày 12.12, Điện Kremlin khẳng định những cáo buộc nói trên là “vô căn cứ". Đảng Cộng hòa và cả ông Trump cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc Nga giúp ông Trump thắng cử.
Bình luận (0)