5.600 thí sinh làm bài kiểm tra tư duy xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội

Quý Hiên
Quý Hiên
14/08/2020 17:12 GMT+7

Chiều mai, 15.8, hơn 5.600 thí sinh sẽ làm bài kiểm tra tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức để làm căn cứ xét tuyển vào trường theo phương án xét tuyển kết hợp bài kiểm tra tư duy.

Chiều mai, 15.8, tại Hà Nội và Thanh Hóa, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra tư duy để tuyển sinh, theo phương án xét tuyển kết hợp bài kiểm tra tư duy (một trong 3 phương án tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng năm nay).
Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức phương án xét tuyển này và trở thành trường đại học duy nhất ở khu vực phía Bắc tổ chức cho thí sinh kiểm tra tư duy để làm căn cứ xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay. Dự kiến, trường sẽ dành 30 - 35% chỉ tiêu vào trường với phương án xét tuyển kết hợp bài kiểm tra tư duy, tức là khoảng 2.300 - 2.500 chỉ tiêu.
Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường sẽ tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra tư duy tại 2 địa điểm: tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (167 phòng thi) và tại Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa (27 phòng thi).
Bài kiểm tra tư duy gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận, trong đó nội dung về toán và đọc hiểu, thời gian làm bài 120 phút (nội dung toán gồm 90 phút làm bài, đọc hiểu 30 phút).  Với nội dung kiểm tra toán, đề thi gồm có cả phần trắc nghiệm và phần tự luận.
Bài kiểm tra được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của các thí sinh và khả năng theo học các ngành học ở bậc đại học, đặc biệt những khối ngành khoa học kỹ thuật. Nội dung bài thi được xây dựng phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam và cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới.
Nội dung đề bài có các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo. Đề bài yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Toàn bộ phần kiến thức nằm trong kiến thức phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế”, PGS Huỳnh Quyết Thắng cho biết.
Để làm bài kiểm tra, thí sinh tập trung tại cửa phòng thi lúc 13 giờ 15, sau đó được gọi vào phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi, 14 giờ 30 bắt đầu làm bài, 16 giờ 30 nộp bài.
Cũng theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, việc trường tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra vào buổi chiều là để tạo điều kiện thuận lợi cho các em. Theo đó, thí sinh ở nhiều tỉnh ngoài có thể đi về trong ngày. Với những thí sinh có nhu cầu đến sớm, hoặc ở cách xa điểm thi trên 200 km, thì nhà trường bố trí cho các em nghỉ tại ký túc xá.
Vì tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, trường đã lên kế hoạch cụ thể để phòng chống dịch. Lịch sử dịch tễ của từng thí sinh đã được trường nắm bắt. Trước khi vào phòng thi, tất cả thí sinh đều được đo nhiệt độ. Trường hợp thí sinh bị sốt, trường sẽ bố trí cho các em ngồi làm bài ở phòng thi riêng.
Những thí sinh sử dụng bài kiểm tra năng lực để xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ đăng ký xét tuyển tổ hợp A19 hoặc A20.
Tổ hợp A19 gồm các điểm thành phần: bài kiểm tra tư duy + toán + lý. Tổ hợp A20 gồm các điểm thành phần: bài kiểm tra tư duy + toán + hóa. Với cả 2 tổ hợp, điểm toán, lý, hóa là điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Có 55/57 mã ngành của trường sử dụng tổ hợp A19 hoặc A20 (riêng ngành kỹ thuật dệt may dùng cả 2 tổ hợp A19, A20) để xét tuyển.
Có 46 mã ngành sử dụng tổ hợp A19 để xét tuyển (chưa tính ngành kỹ thuật dệt may). Cả 55 mã ngành đều dùng bài kiểm tra tư duy là môn chính (điểm xét tuyển nhân hệ số 2).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.