Mạng 5G: cuộc chơi thay đổi toàn diện

08/10/2019 08:00 GMT+7

Mở ra sự thay đổi toàn diện đối với thế giới , 5G trở thành một cuộc cách mạng công nghệ mà các nước đang chạy đua.

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có cuộc hội đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinistö tại Nhà Trắng, mà trọng tâm là phát triển mạng 5G. Nếu Mỹ có Qualcomm tiên phong trong lĩnh vực 5G đặc biệt với công nghệ cho thiết bị đầu cuối, thì Phần Lan có Nokia với nhiều thế mạnh về hạ tầng mạng 5G. Vì thế, hai bên có thể phối hợp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trước Huawei. Động thái của Mỹ là không hề khó hiểu khi công nghệ 5G được đánh giá tạo ra sự thay đổi toàn diện cho nhân loại.

Cách mạng công nghệ

Ngày 24.9, trong lúc Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc tại trụ sở Đại hội đồng LHQ ở New York, thì ở San Diego (bang California) thuộc bờ bên kia của nước Mỹ, Qualcomm đã tổ chức hội thảo Tương lai của 5G quy tụ giới công nghệ và báo chí đến từ nhiều nước để chia sẻ về tầm quan trọng của 5G.
Cuộc chơi thay đổi toàn diện

Một xe hơi thông minh được phát triển trên nền tảng 5G của Qualcomm

So với 4G, thì 5G đem đến tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn hàng chục lần. Cụ thể, trong một thử nghiệm của NTT Docomo - nhà mạng của Nhật Bản hợp tác phát triển 5G cùng Qualcomm - cho thấy 5G có thể được truy cập với tốc độ đạt 1 Gbps dù thử nghiệm diễn ra trên tàu cao tốc Shinkansen đang di chuyển với tốc độ 284 km/giờ. Con số
1 Gbps cao gấp hàng chục lần so với mạng 4G hiện tại, nên người dùng có thể xem trực tiếp cả video có chất lượng hình ảnh chuẩn 4K. Tốc độ trên của 5G còn tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn mới, đóng góp tích cực cho nhiều ngành dịch vụ, thông tin và nhiều lĩnh vực khác.
Về công nghiệp, 5G giúp dễ dàng phát triển các nhà máy thông minh, hoàn toàn kết nối không dây để không cần dùng cáp. Nhà máy dạng này sẽ có nhiều máy móc được tăng cường cảm biến, đồng thời độ trễ trong quá trình vận hành cực thấp, giám sát chi tiết từng khâu nhằm gia tăng hiệu quả.
Đối với lĩnh vực giao thông, cảm biến (camera cố định, camera và những cảm biến trên ô tô, phương tiện liên lạc giữa những phương tiện...) kết hợp cùng nền tảng dữ liệu của các đám mây cục bộ (Edge Cloud), đồng thời có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra kết quả dự đoán đầy đủ và chính xác. Qua đó, người tham gia giao thông có thể đưa ra những quyết định đúng về tình hình giao thông và phương pháp xử lý tốt. Ở tầm cao hơn, sự kết nối giữa các đối tượng giao thông sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách quản lý giao thông tốt hơn. Từ những nền tảng này, số vụ tai nạn giao thông được kỳ vọng sẽ giảm thiểu mạnh mẽ.

[VIDEO] Huawei ra mắt xe buýt 5G đầu tiên thế giới

Nhiều nước chạy đua

Khởi động từ năm 1993

Để có được các bước tiến hiện nay về nền tảng 5G, Qualcomm đã tiêu tốn hơn 60 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển, chủ yếu cho công nghệ kết nối.
Những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng nên 5G đã được tập đoàn này bắt đầu phát triển từ năm 1993 khi nghiên cứu truyền dẫn dữ liệu, chứ không chỉ để đàm thoại, trên công nghệ mạng CDMA.
Tại Hội nghị công nghệ di động thế giới (MWC) năm 2013, Qualcomm giới thiệu bản mô phỏng việc liên lạc trực tiếp giữa thiết bị đầu cuối này (ví dụ như smartphone) với thiết bị đầu cuối khác mà không phải thông qua trạm phát sóng gốc - một nền tảng quan trọng cho 5G về sau.
Đến năm 2014, Qualcomm cùng các tập đoàn công nghệ viễn thông khác thống nhất định hướng những đặc điểm 5G cần có: Cải thiện băng thông 4G; Ra mắt IoT khổng lồ có thể kết nối hàng tỉ thiết bị trên thế giới; Mức độ tin cậy cao và độ trễ thấp.
Trước những ưu thế do 5G đem lại nhằm góp phần phát triển kinh tế, nhiều nước đã đẩy nhanh việc xây dựng mạng 5G. Ông James Thompson, Phó chủ tịch kỹ thuật - Tổng giám đốc phụ trách công nghệ (EVP, Engineering & CTO) của Qualcomm, cho hay: “Tính đến thời điểm hiện tại chuyển đổi 5G là quá trình nhanh nhất và phức tạp nhất mà chúng tôi trải qua”.
Cụ thể, theo ông Thompson, nếu như trong 6 tháng đầu tiên mà công nghệ mạng 4G được ra mắt, chỉ có 4 quốc gia và 3 nhà sản xuất thiết bị gốc chọn 4G thay thế cho 3G. Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn nửa năm kể từ khi ra mắt, hơn 30 nhà mạng trên khắp thế giới đã chính thức tham gia 5G dù thế hệ công nghệ này phức tạp hơn nhiều so với 4G.
Quá trình phát triển của 5G cũng nhanh chóng thu hút người dùng. Ví dụ tại Hàn Quốc - nơi triển khai 5G từ tháng 4.2019 thì chỉ trong quý 2 vừa qua đã đạt 2 triệu người dùng, đồng nghĩa với việc không dưới 2 triệu smartphone 5G đã được bán ra. Dự kiến đến hết năm 2019, số lượng người dùng 5G tại Hàn Quốc có thể đạt 4 triệu. Tương tự, hầu hết các nhà mạng lớn của Mỹ, Nhật và Trung Quốc cũng đều đã phát triển 5G.
Ước tính, vào năm 2035, 5G sẽ đóng góp 5.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.