(TNO) Một gã vô danh tự xưng là chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) bỗng dừng bắt con tin tại một địa điểm đông đúc tại nước Úc. Tại sao anh ta làm vậy, anh ta là ai, có liên quan gì đến IS thật không, động cơ là gì?
Chân dung nghi can Monis - Ảnh: Reuters
|
Nước Úc vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ hàng chục người bị bắt làm con tin trong quán cà phê Lindt, khu Martin Place, trung tâm tài chính Sydney (Úc) hôm 15.12. Sau cuộc giải vây, nghi phạm đã bị bắn, có tên là Man Haron Monis, nhưng 2 người trong số các con tin đã thiệt mạng.
Cảnh sát tiếp tục điều tra, và đến nay vẫn chưa thể xác định động cơ của anh ta, cũng như rất nhiều dấu hỏi xung quanh vụ việc khá kỳ lạ này. Tờ The Guardian đặt ra 7 hoài nghi về Monis và vụ khống chế con tin tại Sydney.
Monis có thuộc IS hay không?
Những biểu hiện của người đàn ông này trước và trong lúc hành động ngầm thông báo rằng anh ta đã chiến đấu và hành động vì IS.
Monis buộc con tin treo cờ đen giống IS - Ảnh: chụp màn hình video của Channel Seven (Úc)
|
Tuy nhiên IS vẫn chưa hề có phản hồi, chưa đứng ra chịu trách nhiệm, chưa lên tiếng xác nhận Monis làm việc cho họ. Và cách làm của Monis cũng không giống những gì IS đã thực hiện ở các phi vụ trước đó.
Tại sao là quán cà phê Lindt?
Lindt nằm trong khu trung tâm sầm uất ở Sydney và từng được chính quyền cảnh báo là mục tiêu cần được bảo vệ khỏi các hoạt động khủng bố. Tuy vậy, nó chưa thể là lý do để Monis chọn nơi này.
The Guardian lưu ý rằng thông tin của vụ việc được đăng tải chóng mặt bởi Lindt nằm gần studio của kênh tin tức Channel Seven. Không loại trừ khả năng Monis muốn phô trương hành động, hoặc đơn giản chỉ... tùy hứng!
Ai bắn ai chết?
Cảnh sát đã nã đạn vào quán cà phê, nhưng chưa xác định viên nào giết Monis, và ai trực tiếp bắn 2 con tin thiệt mạng. Vì cả 3 đều đã chết, cảnh sát vẫn buộc phải điều tra để có kết luận cuối cùng theo luật.
Lý do Monis tại ngoại và được dùng súng?
Trước khi gây án tại Lindt, Haron Monis đã có tiền án về tội tấn công tình dục cũng như “có dính líu đến cái chết của người vợ cũ”. Anh ta đang sống trong diện bảo lãnh, chờ tháng 2.2015 để hầu tòa tiếp.
Monis dùng súng uy hiếp con tin - Ảnh chụp màn hình Channel Seven
|
Tuy vậy, The Guardian cho rằng nhiều người chắc chắn vẫn phải hỏi tại sao một đối tượng nguy hiểm như vậy trong thời gian bảo lãnh lại tự do hành động dễ dàng như thế. Và quan trọng hơn, làm thế nào anh ta có súng khi còn trong diện bị theo dõi?
Pháp luật buông lỏng?
Thủ tướng Úc Tony Abbott trong tuyên bố hôm 16.12 nói rằng Monis đã bị Cảnh sát Liên bang Úc và Tổ chức Tình báo An ninh Úc nhận diện, có vẻ như vào ngày xảy ra vụ án đã không ai theo dõi Monis.
Với đối tượng nguy hiểm và đã có tên trong “danh sách đen”, thật khó hiểu khi anh ta vẫn có thể xuất hiện và hành động.
Iran từng yêu cầu dẫn độ Monis?
Monis sinh ra tại Iran và sang Úc định cư năm 1996. Guardian dẫn lời người đứng đầu lực lượng cảnh sát Iran, Ismail Ahmadi Moghaddam, nói với các nhà báo tại Tehran rằng Monis chạy trốn Iran vào cuối năm 1990 về tội gian lận.
Ông cho biết chính phủ Iran đã tìm cách dẫn độ Monis nhưng phía Úc từ chối vì không có hiệp ước dẫn độ nào được ký giữa 2 nước trước đó.
Bình luận (0)