(iHay) Bố mẹ thường băn khoăn không hiểu vì sao lại gặp khó khăn khi trò chuyện với những đứa con tuổi teen của mình. Thế nhưng bố mẹ lại quên rằng chỉ cần hiểu được suy nghĩ của chúng con, dù là một phần thôi thì cũng sẽ giúp chúng ta gần gũi nhau hơn.
>> Sao trẻ con xứ mình khổ sở thế này!
Có đôi lần con cố tình giậm chân thình thịch, đi tới đi lui trong nhà. Còn em trai con, nay đã lớn tướng hơn cả con và mẹ, dạo này thường hay hét toáng lên: “Không công bằng! Không công bằng”. Bố mẹ có biết những hành động đó có nghĩa gì không? Và bố mẹ nên đáp trả như thế nào?
1. Xin đừng đặt ra những câu hỏi đã có câu trả lời
Sao mẹ cứ hay thích hỏi: “Con không định chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thi vào lớp 10 chuyên à?” trong khi con đang ngồi ở bàn học, thở không ra hơi với đống bài tập của đủ thể loại môn học. Để rồi đến khuya lại hỏi: “Con không biết là thức khuya không tốt cho sức khỏe à?”.
Những câu hỏi dạng đã có câu trả lời khiến những đứa trẻ tuổi teen như chúng con bị ức chế. Những câu hỏi dạng đó khiến chúng con cảm thấy như bố mẹ chẳng nghĩ rằng chúng con đã đến tuổi nhận biết điều gì đúng, điều sai. Hoặc giả trong suy nghĩ của bố mẹ, chúng vẫn còn quá nhỏ, chưa đủ để bố mẹ tin tưởng.
2. Việc so sánh khiến chúng con bị tổn thương
Mỗi khi bố mẹ bắt đầu nói “Tại sao con không thể giống như…” thì chúng con lại lập tức khép mình lại. Bố mẹ không nhận ra rằng khi so sánh chúng con với những người anh chị ngoan hiền, biết vâng lời, những người bạn thân học giỏi của chúng con, sẽ khiến chúng con cảm thấy bản thân mình tệ hại.
Những sự so sánh đó của bố mẹ như gửi đến chúng con lời khuyên rằng chúng con không cần phải là chính chúng con, không cần phải giữ cá tính riêng, mà hãy bắt chước rập khuôn như những con người kiểu mẫu khác theo suy nghĩ của bố mẹ. Điều đó chẳng bao giờ khiến chúng con cảm thấy thoải mái cả.
3. Vấn đề thì tương tự, hoàn cảnh lại khác biệt
Chúng con đều biết rằng bố mẹ cũng từng một lần trải qua lứa tuổi thanh thiếu niên, mặc dù đôi khi con lại thấy khó mà tin vào điều đó. Cho dù mọi đứa trẻ tuổi teen đều gặp những vấn đề tương tự như nhau, như say nắng ai đó, bị giới hạn giờ chơi, giờ xem truyền hình, thời gian lên mạng, bị sức ép trong học tập, bị bạn bè bắt nạt… Thế nhưng chúng con cần bố mẹ nhớ rằng hoàn cảnh thời của bố mẹ và thời của chúng con là hoàn toàn khác nhau, nên cách giải quyết cũng khác nhau
4. Mạo hiểm là thử thách. Những chuyện rủi ro thường rất hấp dẫn
Những hoạt động mang tính rủi ro luôn rất hấp dẫn chúng con, và điều đó đã được khoa học chứng minh. Những nhà nghiên cứu tại Đại học Texas, Mỹ phát hiện ra rằng có những phần trong não của con người ở độ tuổi teen kích thích sự ham muốn làm những chuyện mạo hiểm. Chúng con cũng muốn bố mẹ biết điều đó để bố mẹ có thể khuyến khích, động viên chúng con thực hiện những thử thách tích cực. Chẳng hạn như chơi những trò chơi mạo hiểm, tham gia tranh cử vào ban cán sự lớp, sinh hoạt trong các tiểu ban hoạt động ngoại khóa…
5. Không vì chúng con tròn mắt nhìn có nghĩa là chúng con không lắng nghe
Chúng con cứ thường bị cho là không lắng nghe lời bố mẹ dạy hay không quan tâm đến điều bố mẹ suy nghĩ, nhưng thật ra không phải vậy. Xin bố mẹ đừng tức giận khi thấy chúng con cứ “trơ mắt nhìn mà không nói lời nào” hoặc “thút thít, sụt sùi”. Vì chúng con luôn lắng nghe những lời dạy của bố mẹ, và những điều bố mẹ nói đều rất quan trọng với chúng con hơn là bố mẹ vẫn nghĩ.
6. Bị cô lập ngoài xã hội là chuyện hết sức đau khổ
Bố mẹ thường nói không hiểu vì sao chúng con lại quá quan tâm đến suy nghĩ của bạn bè. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng việc bị xã hội hắt hủi có tác động như một chấn thương hay một tổn thương ở não vậy. Có thể nói rằng không có sự khác biệt lớn giữa bị một cú đấm và phải nghe một tiếng huýt sáo chế nhạo. Với chúng con, khi bị bạn bè tẩy chay, hoặc khi chúng con cảm thấy không được hòa đồng với bạn bè, thì chúng con còn cảm thấy đau hơn cả là bị đấm vào bụng nữa.
Vậy nên xin bố mẹ hãy kiên nhẫn với chuyện chúng con quá mê mẩn bạn bè. Xin đừng cấm cản chúng con, mà hãy giúp con tìm được những người bạn tốt. Xin hãy giúp chúng con cân bằng thời gian dành cho bạn bè, trường học với thời gian dành cho gia đình, cân bằng giữa thời gian học tập và thời gian cô đơn với những biến đổi của tuổi dậy thì.
Và thỉnh thoảng, bố mẹ hãy hỏi chúng con điều chúng con muốn bố mẹ hiểu về chúng con nhé.
Hạnh Ngân
Ảnh minh họa: Shutterstock
>> Sao người lớn lại giành bánh trung thu của trẻ con?
>> Sao nhí cũng chỉ là trẻ con
>> Ghế cho trẻ con lạ nhất quả đất
Bình luận (0)