Bước vào tháng 4 âm lịch, các chùa ở TP.HCM đã trang hoàng mừng đại lễ Phật đản, kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Tại tượng đài của Ngài ở giao lộ Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) cũng được bài trí những đóa sen, treo cờ Phật giáo. Người dân, du khách thường ghé đến thắp nhang, tưởng niệm hạnh đạo của Ngài.
Đại lễ Phật đản: Nguồn gốc, ý nghĩa đối với người Việt
Cuộc đời Bồ tát Thích Quảng Đức
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho biết, Bồ tát Thích Quảng Đức là vị cao tăng của thế kỷ XX.
Hòa thượng Thích Quảng Đức xuất thân từ Khánh Hòa, sau đó vào hành đạo tại Sài Gòn - tức là TP.HCM hiện nay. Ngài đã tạo dựng 31 ngôi chùa ở khắp cả miền Trung, miền Nam. Ngôi chùa cuối cùng Ngài tạo dựng là chùa Quán Thế Âm (hiện nằm trên đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận).
Những ngôi chùa hòa thượng Thích Quảng Đức có thời gian dài tu tập để hành đạo như: tổ đình Ấn Quang (Q.10), chùa Long Vĩnh (Q.3), chùa Quán Thế Âm. Ngài là một trong những bậc cao tăng cùng thời điểm với các vị cao tăng khác như: hòa thượng Trí Quang, hòa thượng Trí Thủ, hòa thượng Thiện Hoa, hòa thượng Thiện Hòa, hòa thượng Trí Huệ.
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, đúng ngày 20.4 âm lịch, tức ngày 11.6.1963, tại giao lộ Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu), Bồ tát Thích Quảng Đức đã đem tấm thân mình tự thiêu, đòi sự bình đẳng, hòa bình cho quê hương tổ quốc và đạo Pháp được trường tồn.
"Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm - Phú Nhuận nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo...", câu nói của Ngài được lưu lại đến hôm nay.
Thượng tọa Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho hay, từ sự kiện này đã bùng những ngọn lửa tiếp theo. Năm 1975 thống nhất đất nước, vai trò của Phật giáo có công lớn trong việc kiến tạo hòa bình và kêu gọi bình đẳng tôn giáo, bình đẳng dân tộc.
"Trái tim bất tử"
Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, câu chuyện Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân trở thành ngọn lửa một biểu tượng của tôn giáo. Câu chuyện được kể đến hôm nay đó là khi Ngài tự thiêu nhưng còn để lại quả tim, sau đó, người ta tiếp tục dùng điện đốt mấy ngàn độ C nhưng vẫn còn nguyên.
Thượng tọa Trí Chơn kể: "Chúng tôi may mắn đã được vào trong Ngân hàng Nhà nước đảnh lễ trái tim của Bồ tát trong một dịp đại lễ Phật đản. Hiện nay trong Ngân hàng Nhà nước có gian thờ rất trang trọng bảo vệ trái tim bất tử của Bồ tát. Trái tim Ngài trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, của đạo Phật Việt Nam cho tới giờ phút này. Giờ thì Thích Quảng Đức đã có tên đường, có những ngôi chùa đi vào trang sử của dân tộc, của đạo Phật Việt Nam".
Do vậy, nhân kỷ niệm đại lễ Phật đản và 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, GHPGVN TP.HCM có một chuỗi các hoạt động tưởng nhớ hạnh đạo của Ngài. Cụ thể:
- Triển lãm văn hóa "Lửa thiêng rực sáng sử vàng" về cuộc đời và đạo nghiệp của Bồ tát Thích Quảng Đức, những di vật của ngài và chư Thánh tử đạo cùng chư vị tiền bối hữu công trong pháp nạn năm 1963 khai mạc lúc 17 giờ ngày 26.5 tại Việt Nam Quốc Tự.
- Lễ rước kiệu, thỉnh tôn tượng kim thân Đức Phật đản sinh vào lúc 20 giờ ngày 26.5 từ tổ đình Ấn Quang (số 243 Sư Vạn Hạnh, P.9, Q.10) đến Việt Nam Quốc Tự - nơi lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM.
- Chương trình nghệ thuật Lửa thiêng rực sáng sử vàng diễn ra lúc 19 giờ ngày 28.5 tại Việt Nam Quốc Tự.
Bình luận (0)