60 năm trước (năm 1964), sau một chuyến công tác tại Quảng Bình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời ca khúc Quảng Bình quê ta ơi và sau đó không lâu, với giọng hát của ca sĩ Kim Oanh và tốp ca nữ, Quảng Bình quê ta ơi đã vang lên hùng tráng, thiết tha trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó Quảng Bình quê ta ơi lan rộng khắp cả nước, đặc biệt là với người dân Quảng Bình, đến mức cho đến nay, ai đến với vùng đất Quảng Bình, thậm chí là chỉ cần nhắc đến Quảng Bình, là đã nghĩ đến và bỗng dưng ngân nga những lời ca của Quảng Bình quê ta ơi.
Cũng từ rất lâu rồi, bài hát Quảng Bình quê ta ơi đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh Quảng Bình vang lên mỗi sáng mai, báo hiệu một ngày mới tươi vui, rộn ràng. 60 năm qua Quảng Bình quê ta ơi đã trở thành một trong những bài hát đầu tiên và hay nhất của thể loại "tỉnh ca", bài hát về một địa phương, trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông sinh ngày 24.7.1930 tại Hà Nội, mất ngày 2.4.2018, thọ 88 tuổi. Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cùng với "tỉnh ca" Quảng Bình quê ta ơi, Hoàng Vân còn là tác giả của những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác như: Hò kéo pháo được xem là "binh chủng ca" của những người lính pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam, Tôi là người thợ lò được xem là "nghề ca" của những người thợ mỏ, Bài ca xây dựng đươc xem là "ngành ca" của những người công nhân xây dựng. Bên cạnh đó, những Tình yêu của đất và nước, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca tình bạn, Tình ca Tây nguyên... đã đưa Hoàng Vân thành một nhạc sĩ lớn của đất nước. Ông được xem là tượng đài của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Năm 2000 nhạc sĩ Hoàng Vân đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước trao tặng.
Bình luận (0)