Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ NN-PTNT ngày 29.9, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 274 con chó, mèo ở 30 tỉnh, thành phố có bệnh dại, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, các địa phương ghi nhận 64 người chết vì bệnh dại, tăng 18 người so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Gia Lai có số người chết vì bệnh dại nhiều nhất với 11 người. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại thấp nhất, chỉ đạt trên 17% tổng đàn chó, mèo.
Lý giải nguyên nhân khiến số người chết vì bệnh dại tăng đột biến, ông Nguyễn Văn Long cho rằng công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng bệnh dại chưa được thực hiện nghiêm túc. Quy định là phải kiểm đếm, thống kê số lượng chó, mèo nhưng nhiều địa phương không quản lý được, dẫn đến số liệu báo cáo không chính xác so với thực tế.
"Khi các địa phương không kiểm soát được thì việc triển khai bắt giữ chó, mèo để tiêm phòng vô cùng khó khăn, đây là nguyên nhân chính. Không có chủ nuôi, lực lượng địa phương hỗ trợ thì bác sĩ, nhân viên thú y không thể tiêm được", ông Long nói.
Cũng theo ông Long, ở nhiều địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế, lực lượng cán bộ, nhân viên thú y còn lại rất mỏng. Để giám sát, phát hiện nguy cơ bệnh dại trong cộng đồng phải có nhân lực, công cụ, phương tiện nhưng hiện nay lực lượng đã mỏng, chi phí chi cho phòng, chống bệnh dại rất thấp. "Công tiêm phòng dại chỉ được mấy trăm đồng một con, trong khi dụng cụ, phương tiện tiêm không có nên ở nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại không đạt yêu cầu", ông Long lý giải.
"Làm không được thì đổ tại khách quan"
Ông Nguyễn Văn Long cũng cho biết để phòng ngừa, giảm thiểu số người chết vì bệnh dại, Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21.4 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Nhưng thực tế triển khai ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
Khẳng định công tác phòng, chống bệnh dại hiện nay nếu chỉ trông chờ vào loại vắc xin tiêm sẽ không hiệu quả, lãnh đạo Cục Thú y cho biết: "Trong nước hiện nay chưa nghiên cứu được vắc xin phòng bệnh dại, chúng tôi đang đề xuất cho phép nhập khẩu vắc xin ở dạng trộn vào thức ăn của chó, mèo để tăng hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh dại".
Chia sẻ tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thẳng thắn bày tỏ "không đồng ý" về cách tiếp cận, giải thích từ Cục Thú y trong công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh dại. Ông Tiến dẫn chứng với dịch cúm gia cầm lây sang người, Việt Nam chỉ có hơn 50 người chết, trong khi năm nào cũng có nhiều người chết vì bệnh dại.
"Khó ở đâu, hệ thống thú y phải chỉ ra, chứ không thể để tình trạng này kéo dài. Cục Thú y phải chấn chỉnh trong nội ngành với nhau, chứ không thể việc gì khó, không làm được thì đổ lỗi cho khách quan. Tôi không thích tư duy như thế", ông Tiến nói gay gắt và yêu cầu lãnh đạo Cục Thú y phải chỉ đạo quyết liệt, có các phương án mạnh để xử lý bằng các văn bản pháp luật, thậm chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ những địa phương làm không tốt.
Theo tổng hợp từ Cục Thú y, đến nay cả nước có 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng chó, mèo đảm bảo điều kiện miễn dịch cộng đồng (trên 70% tổng đàn); 52 tỉnh, thành phố còn lại tỷ lệ tiêm không đạt yêu cầu. Cục Thú y đang triển khai chương trình giám sát tại hơn 21 tỉnh, thành phố để phòng ngừa bệnh dại.
Bình luận (0)