Ngày 5.6 tại TP.Đồng Xoài (Bình Phước), Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ban Điều phối dự án tỉnh Bình Phước và Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), tổ chức lễ khởi động dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam".
Dự án triển khai tại 11 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Bình Phước từ tháng 6.2024 - 11.2026 với tổng kinh phí hơn 3,8 triệu USD (tương đương 92,2 tỉ đồng).
Dự án tập trung vào các hoạt động như: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật; giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của người khuyết tật...
Dự kiến có khoảng 3.160 người khuyết tật được can thiệp phục hồi chức năng; 3.340 người khuyết tật nhận dịch vụ chăm sóc; 192 nhân viên y tế được đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và 3.748 cán bộ y tế, thành viên gia đình và người chăm sóc tại cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc người khuyết tật.
Ông Mai Xuân Tuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước, cho biết địa phương hiện có 12.716 người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 34%; người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam có 522 người, chiếm 4,1%.
Đại diện CRS tại Việt Nam cho biết CRS thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 1994. Hiện nay, CRS Việt Nam hoạt động tại 12 tỉnh, thành với các chương trình về giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, hòa nhập người khuyết tật, và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. CRS hướng đến một thế giới nơi tất cả người khuyết tật được hòa nhập và hỗ trợ để phát huy tối đa tiềm năng.
Bình luận (0)