66 con cá sấu sổng chuồng đã bị bắt, bắn hạ

12/11/2007 23:57 GMT+7

Việc truy bắt cá sấu sổng chuồng ở Yang Bay (Khánh Hòa) tiếp tục diễn ra rất khẩn trương trên diện rộng trong ngày 12.11. Đã có 66 con cá sấu bị bắt lại hoặc bắn hạ. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện người dân bắt xẻ thịt 4 cá sấu và tẩu tán 3 con khác. * Sẽ kiểm tra, rà soát tất cả trại nuôi cá sấu

Vào lúc 16 giờ 30 chiều 12.11, ông Trần Văn Sơn, Trưởng trại cá sấu Yang Bay cho hay: "Đến lúc này, lực lượng phối hợp gồm quân đội, công an, kiểm lâm... đã bắn chết 8 cá sấu lớn, trong đó 4 con không vớt được xác. Ngoài ra, trại đã bắt sống và thu mua cá sấu do dân bắt được tổng cộng 58 con, có 5 con lớn (trên 10 kg/con), còn lại là cá sấu nhỏ (từ 0,1 - 4 kg). Đã phát hiện cá sấu ở nơi cách trại khoảng 3 - 4 km đường chim bay. Bên cạnh lực lượng phối hợp, trại đã thuê 4 xuồng cho 8 người đi tìm bắt. Ngoài ra, có khá nhiều người dân đi xuồng hoặc men theo suối săn lùng cá sấu". Theo chỉ đạo của Tổng công ty Khánh Việt, với loại cá sấu lớn do dân bắt được, giá thu mua là 20.000 đồng/kg; loại cá nhỏ thì mua theo con, giá từ 20.000 - 200.000 đồng/con. 

Cách mà người dân tham gia bắt cá sấu sổng chuồng là sử dụng xung điện và dây thòng lọng. Cá sấu trong nước rất khỏe và hung dữ. Vì vậy, khi phát hiện chúng, người dân dùng xung điện để chích sau đó dùng thòng lọng buộc mõm cá sấu rồi kéo lên xuồng hoặc lên bờ. Một số người dân xã Khánh Phú cho biết, sáng 12.11, họ đã phát hiện một con cá sấu to cỡ bắp chân người lớn, bò vào bờ suối chảy dọc thôn Giáng Mương, nhiều người đuổi bắt nhưng không được. Có tin cho biết, một số người phát hiện cá sấu sổng chuồng đã dùng dao chém và gậy đập chết rồi làm thịt. 


Vận chuyển cá sấu bị bắn chết - Ảnh: X.H - L.T

Chiều 12.11, trong báo cáo khẩn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt xác nhận người dân đã bắt xẻ thịt 4 cá sấu sinh sản và tẩu tán 3 con khác (loại 40 - 70 kg). Có một số người bắt được cá sấu đã không giao lại cho trại, đòi bán lại giá cao hoặc tự ý làm thịt. Công ty đã thiết lập đường dây điện thoại nóng 24/24 để tiếp nhận thông tin phát hiện cá sấu, thu mua cá sấu sống hoặc chết do người dân bắt được: 058.888.666, 058.888.579, 058.792.379, 0979.892.379. Đặc biệt, đã xác định được vị trí tập trung khá nhiều cá sấu sổng chuồng, đó là vùng suối Đá Trải, cách trại cá sấu Yang Bay hơn 500 mét. Lực lượng phối hợp đang theo dõi chặt chẽ và rà soát kỹ lưỡng khu vực này để diệt hoặc bắt sống cá sấu.   Để góp phần ngăn chặn việc vận chuyển cá sấu sổng chuồng ra khỏi địa phương, đêm 11.11, Công an huyện Khánh Vĩnh đã lập chốt kiểm soát. Sáng 12.11, lực lượng kiểm lâm Khánh Vĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, giết mổ cá sấu trên địa bàn. Cũng trong sáng 12.11, Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Nha Trang và Đội Kiểm lâm cơ động số 1 tăng cường kiểm tra việc nhốt, vận chuyển, mua bán cá sấu sổng chuồng từ trại Yang Bay. Theo đó, cá sấu nuôi tại trại Yang Bay là cá sấu nước ngọt, là loại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Phụ lục I-CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Theo quy định hiện hành, đối với cá sấu nước ngọt, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi nhốt, vận chuyển, mua bán phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật. 

Đến tối 12.11, trại cá sấu Yang Bay đã hoàn thành việc gia cố toàn bộ hồ nuôi, với hơn 2.000 mét lưới B40, đồng thời đề ra phương án phòng chống lũ quét. Dự kiến hôm nay 13.11, trại sẽ tiến hành bơm cạn hồ nước thải để bắt cá sấu vào chuồng, đồng thời kiểm đếm để xác định số cá sấu thất thoát. Theo tin từ Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, chưa phát hiện cá sấu sổng chuồng trên sông Cái đoạn chảy qua huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, các chốt quan sát ở hai địa phương này vẫn được duy trì; và cơ quan chức năng khuyến cáo người dân vẫn phải cảnh giác khi ra bờ sông. 

Sẽ kiểm tra, rà soát tất cả trại nuôi cá sấu

Chiều 12.11, trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Quang Tùng (ảnh) - Chánh văn phòng Cites Việt Nam (Cơ quan quản lý Công ước quốc tế về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết:

- Hiện nay, tại Việt Nam cá sấu được nuôi rất nhiều, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn toàn quốc hiện có tới 1.000 cơ sở, nuôi khoảng trên 100.000 con cá sấu. Trong số này, chỉ có 20 trại nuôi quy mô lớn như của Công ty kinh doanh đà điểu - cá sấu của Tổng công ty Khánh Việt. Số còn lại chủ yếu là các hộ dân nuôi vệ tinh cho các trại lớn, nuôi theo hình thức kinh tế hộ gia đình, nuôi sinh trưởng mỗi hộ dăm bảy con. Các chủ cơ sở nuôi phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu cơ sở nào đáp ứng được các điều kiện như chuồng trại đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, nguồn gốc cá sấu gây nuôi hợp pháp (khai thác từ rừng nhưng được cho phép, mua từ trại nuôi khác, nhập khẩu từ nước ngoài về) sẽ được Chi cục Kiểm lâm địa phương cấp giấy phép cho nuôi cá sấu. 

* Ông đánh giá như thế nào về sự cố cá sấu sổng chuồng tại Khánh Hòa ?

- Đây là lần đầu tiên thiên tai làm hư hỏng chuồng trại khiến số lượng lớn cá sấu sổng chuồng. Từ trước tới nay, chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện xây dựng chuồng nuôi cá sấu như thế nào để tránh được các thiên tai. Sắp tới, khi xây dựng các cơ sở nuôi cá sấu chúng ta cần tính toán kỹ đến yếu tố này.  * Ông đánh giá thế nào về khả năng khắc phục hậu quả vụ việc ?

- Các trại nuôi cá sấu đều có sổ quản lý rất chặt chẽ, cụ thể đến từng cá thể như kích thước, trọng lượng, địa điểm nuôi... Căn cứ vào đó, sau khi kiểm kê lại số cá sấu còn lại tại trang trại của Công ty kinh doanh đà điểu - cá sấu, chúng ta sẽ xác định được chính xác là có bao nhiêu con cá sấu đã sổng chuồng. Cá sấu nuôi lâu ngày tại trang trại, khi thoát ra ngoài tự nhiên sẽ chưa thể thích nghi ngay với điều kiện sống mới nên chúng ta dễ phát hiện và tổ chức vây bắt, bắn hạ.

Ông Đỗ Quang Tùng cũng cho biết, ở nước ta có 2 loài cá sấu là cá sấu nước ngọt và cá sấu nước lợ. Hiện nay, các cơ sở nuôi cá sấu chủ yếu nuôi cá sấu nước ngọt. Ở nước ta, ngoài tự nhiên không còn cá sấu nữa, nhưng mấy năm trước đây đã thí điểm thả cá sấu thuần chủng tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

* Sau sự cố này, lực lượng kiểm lâm sẽ làm gì để quản lý tốt các cơ sở nuôi cá sấu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ? 

- Chúng tôi sẽ chỉ đạo và phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở nuôi cá sấu trên địa bàn xem có đảm bảo đầy đủ các điều kiện nuôi và có đảm bảo an toàn hay không. Nếu phát hiện cơ sở nào không đủ điều kiện nuôi sẽ yêu cầu họ hoàn thiện lại trại nuôi. Trong thời hạn đã được đưa ra mà chủ cơ sở đó không hoàn thành việc hoàn thiện trại nuôi thì sẽ tước giấy phép và tịch thu số cá sấu đang nuôi tại cơ sở đó.

Quang Duẩn (thực hiện)

Xuân Hòa - Lưu Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.