Lực lượng Đồng minh chống Nhật gần Việt Nam nhất khi đó là Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đang đóng tại Trùng Khánh. Bên cạnh và đằng sau lực lượng này là Mỹ.
Những tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập sau sự kiện trung úy R.Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng ngày 2.11.1944 và đưa trở lại Côn Minh. Ngày 29.3.1945, tại Côn Minh, Bác Hồ gặp tướng S.Chenault - Tư lệnh Quân đoàn không quân số 14 của Mỹ. Kết thúc cuộc gặp, Bác Hồ muốn có một bức ảnh chân dung của vị tướng. Tướng S.Chenault đã vui vẻ tặng Bác một bức chân dung cỡ 8 x 10 cm, ghi và ký ở phía sau: Thân ái - S.Chenault. Ngoài bức ảnh trên, trong số “quà” Bác Hồ mang về cho các đồng chí của mình ở chiến khu Việt Bắc sau khi gặp vị tướng không quân Mỹ còn có 6 khẩu súng ngắn “đời mới”. Điều quan trọng không phải là số vũ khí đó mang bao nhiêu uy lực, vấn đề là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang về Việt Bắc bằng chứng quan trọng về sự ủng hộ của lực lượng Mỹ cho cuộc kháng chiến chống Nhật của Việt Minh.
|
Hồ Chủ tịch đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt Nam. Mặc dù các nguồn tin từ cả phía Pháp và Trung Quốc xác nhận rằng Hồ Chí Minh là người chống Pháp và là cộng sản nhưng người Mỹ vẫn nhận ra rằng Hồ Chí Minh không phải là người chống Pháp cực đoan. Người Mỹ bắt đầu coi Việt Minh như một lực lượng đồng minh chống Nhật tích cực mà họ có thể phối hợp các nỗ lực. Một số đội du kích của Việt Minh ở Cao Bằng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và được một số chuyên gia của Đồng minh huấn luyện quân sự. Những hoạt động thu thập tin tức tình báo chống Nhật, mở rộng mạng lưới tìm kiếm và cứu phi công Mỹ của OSS lúc này đều nằm trong vùng căn cứ của Việt Minh - đã được mở rộng từ Cao Bằng tới các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên.
Cho đến đầu tháng 5.1945, hai sĩ quan OSS đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào và người Mỹ càng ngày càng đánh giá cao vai trò của Bác Hồ cũng như tổ chức Việt Minh. Một trong hai sĩ quan này khi trở về tổng hành dinh của mình đã tuyên bố: “Người Pháp tại Đông Dương coi như đã kết thúc. Khi chiến tranh chấm dứt, Việt Minh chắc chắn sẽ nắm được chính quyền. Và lúc đó Hồ Chí Minh có thể làm được nhiều việc để giúp chúng ta”(1). Đại úy A.Patti - là người phụ trách SI (tình báo) của Tổ đặc trách Đông Dương và sau này là chỉ huy của OSS tại Đông Dương, trong tháng 5.1945, đã đánh giá: “Đây (Việt Minh - N.V.A) là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ nhân dân Việt Nam”. Cần nói thêm rằng A.Patti viết điều này khi đã biết rõ về khuynh hướng chính trị của Việt Minh: “họ theo chủ nghĩa Mác” nhưng “mối quan tâm trực tiếp của họ là đánh đuổi Nhật”(2).
Ngày 17.7.1945, đội tình báo Mỹ mang biệt danh Con nai gồm 5 người do thiếu tá A.Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào. Họ huấn luyện các kỹ năng quân sự cho 40 người được chọn từ số 110 quân du kích của Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8.1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được thành lập và ngày 20.8.1945 đã tham chiến ở Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.
Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng trên dưới 100 người địa phương trong vùng núi Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Bác Hồ cũng biết rõ điều đó. Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Bác Hồ chủ trương chính là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.
Những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đưa cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam đồng hành cùng cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít đã gắn kết những giá trị dân tộc với những giá trị nhân loại. Kết quả của những hoạt động đó là những đóng góp thiết thực của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung chống phát xít của nhân dân thế giới. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam là dân tộc đầu tiên tự giải phóng được mình trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc nhược tiểu thuộc địa, bị áp bức. Thắng lợi của cuộc cách mạng ở Việt Nam cũng mở ra một tương lai, gây một niềm tin, động viên, tiếp sức cho các dân tộc còn đang bị áp bức đấu tranh giành độc lập cho mình.
Ngô Vương Anh
(1) Dixee R.Bartholomew-Feis - OSS và Hồ Chí Minh Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật (Lương Lê Giang dịch), NXB Thế giới, Công ty văn hóa & truyền thông Võ Thị, Hà Nội, 2007, tr.319
(2) Dixee R.Bartholomew-Feis - Sđd, tr.293; 296
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 3: Chủ động khởi nghĩa thành công
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8 - Kỳ 2: Người mang lệnh Tổng khởi nghĩa vào Nam
>> 67 năm Cách Mạng tháng 8: Về khoảng “chân không chính trị” tháng 8.1945
Bình luận (0)