7 bộ và 13 tỉnh, thành ban hành văn bản trái luật nhưng không sửa

23/09/2010 00:14 GMT+7

Hôm qua 22.9, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp cho biết vừa ký văn bản gửi hàng loạt bộ ngành, tỉnh, thành phố đề nghị nghiêm túc thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát và xử lý những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp “thổi còi” trước đây nhưng chưa xử lý.

Trong số này, TP.HCM bị thổi còi về Quyết định số 54 ban hành ngày 30.3.2007 quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP.HCM. Theo đó, tại một số điều khoản trong chương 2 của quyết định này đã quy định một số giấy tờ được cấp hoặc chứng nhận sau năm 1975 không phù hợp với pháp luật hiện hành. Tiếp đó, Quyết định 58/2009 của UBND TP Hà Nội về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn, ao trong khu dân cư, kích thước diện tích, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội, có một số quy định và câu chữ mâu thuẫn, gây nhầm lẫn cũng như chưa phù hợp quy định của pháp luật hiện hành, có thể ảnh hưởng đến người dân. Tương tự, Quyết định số 75/2008 về đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng bị nhắc nhở là trái luật.

7 bộ và 13 tỉnh, thành ban hành văn bản trái luật là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế; TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Đắk Nông, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đồng Nai.

Trong số 7 bộ, ngành bị Cục KTVBQPPL “thổi còi” thì Bộ Tài chính và Bộ Y tế tiếp tục bị nhắc nhở về Thông tư liên bộ số 09/2009, hướng dẫn bảo hiểm y tế có một số nội dung không đúng với tinh thần của Luật Bảo hiểm y tế, gây phiền hà cho người dân. Đối với Bộ Xây dựng là các văn bản trả lời doanh nghiệp về quy định thời điểm huy động vốn trái với Luật Nhà ở và có thể gây ra tình trạng bán nhà trên giấy...

Ông Lê Hồng Sơn cho biết, quy định của Chính phủ là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản trái luật của các bộ, tỉnh thành nói trên đã được nhắc nhở từ năm 2009 và đầu năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Đáng chú ý có những bộ, địa phương đã nhận được nhiều văn bản thông báo nhiều lần như Bộ Tài chính, 3 văn bản; Bộ Xây dựng 2 văn bản...

Ông Sơn nhấn mạnh: “Nếu các bộ và địa phương này tiếp tục không khắc phục, Cục KTVBQPPL sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định”.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.