Tờ Los Angeles Times (Mỹ) vừa có bài viết trích dẫn phân tích của các chuyên gia để đưa ra 7 dự đoán về diễn biến kinh tế Trung Quốc trong năm 2016.
Quốc kỳ Trung Quốc tại một chung cư ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP |
Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đang trở nên bớt lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2016, một phần cũng xuất phát từ lo ngại đối với kinh tế Trung Quốc.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra mức dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 là 3,3%, thay vì 3,6% như trước đây.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là một nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh giảm kể trên, theo Los Angeles Times.
Sau nhiều thập kỷ phát triển chóng mặt, kinh tế Trung Quốc đang chững lại, với tăng trưởng GDP hiện ở mức chưa đầy 7% một năm.
Cường quốc này trong năm nay đã phải đối mặt với đợt khủng hoảng thị trường chứng khoán, sự mất giá của nhân dân tệ, xuất nhập khẩu sụt giảm và nỗi lo về các khoản vay tín dụng đen.
Sau đây là 7 dự đoán về kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 của Francis Cheung, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược Trung Quốc/Hồng Kông thuộc tập đoàn đầu tư CLSA (Hồng Kông).
1. 2016 sẽ rất biến động
Trong 5 năm vừa qua, Bắc Kinh đã cố duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 7-8%. Nhiều gói kích cầu được ban hành và cũng đã đem lại hiệu quả trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, sau khi phải đối mặt với tình trạng dư thừa sản xuất và bong bóng bất động sản, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy cần phải thay đổi.
“Đây là cái được gọi là giai đoạn ‘bình thường mới’, có nghĩa là Trung Quốc sẽ chuyển từ tập trung vào tăng trưởng mạnh sang tăng trưởng chậm hơn nhưng ổn định hơn”, Cheung nói với Los Angeles Times.
“Kinh tế Trung Quốc sẽ phải cần ít nhất từ 2 đến 3 năm mới có thể phát triển ổn định… Thị trường Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục biến động trong năm 2016”, chuyên gia này cho hay.
Ông Cheung cũng nói thêm rằng phần lớn nhà đầu tư đều cho rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ đi ngang hoặc đi xuống trong năm tới. Doanh thu ngành bất động sản có thể sẽ giảm 10% trong năm 2016. Theo khảo sát của CLSA, có đến 68% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ không có dự định mua bất động sản vào năm sau.
“Kinh tế Trung Quốc sẽ khá yếu trong nửa đầu năm 2016. Chúng tôi cho rằng nền kinh tế này sẽ ổn định nhanh nhất là vào năm 2017”, theo ông Cheung.
2. Nhân dân tệ sẽ giảm giá
Câu hỏi về khả năng liệu nhân dân tệ có tiếp tục bị mất giá nữa hay không là đề tài được thảo luận sôi nổi nhất của giới đầu tư toàn cầu, chuyên gia Cheung nói.
Khó có khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện một đợt phá giá mạnh bản tệ do điều này sẽ gây hại lớn cho kế hoạch phát triển kinh tế của họ, theo báo cáo của CLSA.
Tuy nhiên, CLSA khuyến nghị những người quan tâm đến thị trường tiền tệ nên theo dõi kỹ đồng EUR. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh luôn muốn hàng hóa xuất khẩu của mình hấp dẫn đối với đối tác này.
“Đồng EUR có thể giảm 6% trong năm tới và Trung Quốc có lẽ sẽ theo dõi đà giảm này” để duy trì độ cạnh tranh của nhân dân tệ, ông Cheung nhận định.
3. Niềm tin người tiêu dùng
Độ lạc quan của người tiêu dùng Trung Quốc đang dần vơi đi, nhưng họ lại không bi quan. Từ một cuộc khảo sát người tiêu dùng Trung Quốc, CLSA nhận thấy phần lớn người được hỏi dự đoán rằng điều kiện kinh doanh sẽ được cải thiện một cách tương đối trong năm 2016.
“Mặc dù kinh tế suy yếu, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn muốn chi tiêu nhiều hơn. Họ sẽ chi nhiều cho các nhu yếu phẩm… Du lịch sẽ là ưu tiên hàng đầu và hầu như toàn bộ người được hỏi đều có kế hoạch đi du lịch”, chuyên gia Cheung cho hay.
4. Internet sẽ là điểm sáng
Giới đầu tư toàn cầu kỳ vọng các công ty internet Trung Quốc, chẳng hạn như Alibaba, Baidu và JD, phát triển mạnh trong năm tới. Toàn bộ các tập đoàn Trung Quốc này đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
“Internet luôn là một trong những mảng yêu thích của tôi. Giờ đây nó là chính sách quốc gia Trung Quốc”, ông Cheung nói.
Báo cáo của CLSA cho biết lần đầu tiên chiến lược phát triển kinh tế Trung Quốc được tập trung xoay quanh internet, với chính sách “Internet Plus”. Bắc Kinh đã cam kết sẽ chi khoảng 180 tỉ USD để nâng cấp mạng lưới băng thông 4G trong năm 2016.
Giao dịch thương mại điện tử tại Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 3.500 tỉ USD trong năm 2016, tăng 64% tính từ năm 2014.
5. Macau khởi sắc trở lại
Hoạt động kinh doanh tại “Thánh địa cờ bạc” Macau đã chìm trong lo âu khoảng 1 năm qua do tác động của chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chiến dịch này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2016 và có thể sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế đặc khu Macau trong vài năm tới.
Dẫu vậy, đường lối của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp cờ bạc đang trở nên mềm mỏng lại. CLSA ước tính trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của ngành này sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái sau khi liên tiếp giảm sút tính từ tháng 6.2014.
6. Chính sách 2 con ít có tác động đến kinh tế
Hồi tháng 10, Trung Quốc thông báo ngừng chính sách 1 con. Động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, cũng như giúp Trung Quốc giải quyết tình trạng giảm sút về quy mô của lực lượng lao động.
Tuy nhiên, CLSA cho rằng chính phủ Trung Quốc đã tự tin thái quá vào điều chỉnh kể trên, vốn dự kiến sẽ giúp cho ra đời thêm khoảng 3,4 triệu em bé mỗi năm trong 5 năm tới. Chính sách mới được đưa ra “quá yếu, quá trễ”, theo CLSA.
7. Chiến lược “Một Vành Đai, Một Con Đường”
“Một Vành Đai, Một Con Đường” (One Belt, One Road), hay OBOR, là một chiến lược phát triển kinh tế do Trung Quốc khởi xướng hồi năm 2015. Chiến lược này có mục đích thúc đẩy kết nối kinh tế của Bắc Kinh với các nước trong khối Eurasia bằng cách giúp các nước phát triển cơ sở hạ tầng. OBOR còn có tác dụng giúp thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.
2016 sẽ là một năm quan trọng đối với OBOR vì 3 định chế chủ chốt cung cấp vốn cho các dự án của chiến lược này, gồm Quỹ Con đường tơ lụa, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển Mới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Bình luận (0)