Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 246.447 tỉ đồng, nhưng hiện nay qua tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 558.654 tỉ đồng. “Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2 lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng... mà còn điều chỉnh cả về thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án, có những dự án vừa thi công, vừa đấu thầu, vừa điều chỉnh tổng mức đầu tư”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn chứng.
Theo nhận định của ủy ban này, thực trạng trên khiến việc cân đối nguồn lực trung hạn trong tương lai để thực hiện các công trình, dự án đã được phê duyệt sẽ làm tăng nhanh nợ Chính phủ trong thời gian ngắn.
Vì vậy, để tăng cường hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn TPCP, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị đưa nguồn vốn TPCP và các khoản thu, chi khác của Nhà nước vào trong cân đối ngân sách nhà nước bắt đầu từ năm 2013, sau khi Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, để phản ánh đầy đủ, chính xác thu, chi của Nhà nước, đồng thời bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Nguyệt Minh
Bình luận (0)