7 ngày ở Manila (Philippines)

24/11/2005 14:27 GMT+7

Mới có 7 ngày ở Philippines mà tôi thấy dài như 7 tháng, 7 năm. Nếu chỉ đơn thuần đi du lịch thì chắc đã thấy 7 ngày ngắn chẳng tày gang. Lạ nước lạ cái, công việc bộn bề - không chỉ riêng mình tôi mà hầu hết các phóng viên VN khác đều rơi vào tâm trạng mâu thuẫn với chính mình: Vừa mong thời gian trôi qua thật mau vừa ước giá như một ngày có nhiều hơn 24 giờ! Nhưng dù sao trên dọc đường hành quân, tôi cũng đã kịp “thâu tóm” một vài câu chuyện bên lề!

Đi taxi phải trả giá

Các bác tài taxi ở Trung tâm báo chí rất hãi tôi vì tôi là vua mặc cả. Tội gì không mặc cả khi đoạn đường từ khách sạn mà tôi ở đến Trung tâm báo chí có 3km mà đòi tới 200 peso (khoảng 60.000 đồng). Kịch kim chỉ 60 peso thôi. Còn lâu mới bắt tôi trả thêm dù một xu. Có nhiều hôm rời Trung tâm báo chí đã là 24h đêm nhưng tôi cũng chẳng sợ bị bắt chẹt, đòi giảm giá tới bến thì thôi! Tại Philippines rất kỳ lạ là tính tiền theo đường chứ ít khi tính theo km. Ngày đầu sang, tôi dại dột trả 600 peso (180.000 đồng) chặng từ sân bay về thành phố chưa đầy 15km. Bây giờ thì khôn ra rồi, nhờ một cậu tình nguyện viên ở Trung tâm báo chí kê sẵn các lộ trình đến các địa điểm cần đến kèm theo mức giá tương đối và cứ thế mà yêu cầu taxi (Chỉ khổ là một ngày đi nhiều nơi nên số tiền và cả thời gian ngồi trên taxi cũng kha khá!). Ai muốn du lịch Philippines hãy ghi nhớ điều này!

Taxi kiêm “mối lái”

Một vài đồng nghiệp nam khá “dại dột” đưa số điện thoại cho lái xe với mục đích rất lương thiện là tìm “mối ruột” để trong suốt những ngày hành nghề tại Philippines. Nhưng ngờ đâu, cho số buổi sáng thì buổi chiều tin nhắn chấp chíu bay đến với nội dung không hề lương thiện tí nào: “Can I help u find girl. Very beautiful and sexy”. Sợ bị quấy rầy, đồng nghiệp của tôi đã phải hủy số cũ, mua lại simcard khác cho an toàn.

Mấy đêm nay tôi mất ngủ vì lạ nhà chỉ một phần. Trời ạ! Giờ ngủ của người ta mà tiếng giầy cao gót cộp cộp cả đêm ngoài hành lang, tiếng gõ cửa cộc cộc ở những phòng bên cạnh. Tôi đã bị gõ cửa một lần kèm tiếng ẽo ợt “Hello!”. Khi biết tôi là phụ nữ, ngoài cửa chợt im bặt và vài giây sau phòng kế bên lại bị ẽo ợt: “Hello! I am here!”.

Siêu thị dành cho người nghèo

Khi được một lưu học sinh Việt Nam giới thiệu, thử đi siêu thị dành cho người nghèo xem sao, mấy phóng viên đã lên đường ngay vì tự nhận thấy mình thừa “tiêu chuẩn” (!?). Siêu thị dành cho người nghèo đây à? To khủng khiếp, hoàng tráng khủng khiếp. Nếu xét về diện tích, rộng gấp 4 lần Metro - siêu thị lớn nhất Hà Nội, xét về hàng hóa thì tôi có cảm giác mua được cả… thế giới. Hóa ra chuẩn nghèo của mỗi nước mỗi khác. Ví dụ như tôi thu nhập một tháng vài triệu được coi là ổn ở Việt Nam thì sang đây bị xếp vào diện nghèo. Nhưng một công chức Philippines thu nhập vào khoảng 1.000 USD lại đã được coi là giàu. Song để hiểu được hai chữ giàu nghèo ở Philippines thì cũng vô cùng. Hôm trước đi skytrain (Một loại tàu điện trên không), phía bên phải thành phố là những tòa nhà chọc trời, nhưng bên trái, tôi không thể tưởng tượng được tại sao người ta có thể sống trong những căn nhà ổ chuột tồi tàn đến như thế. Dọc đường đi xuống khách sạn Marikina thăm đội nữ (khách sạn được phóng viên VN phong cấp khách sạn “không người lái” vì đụng đến cái gì cũng thiếu, hỏi đến cái gì cũng lắc đầu, internet được coi là thứ sa xỉ), có những đoạn tôi thấy mọc lên rất nhiều quán cóc, một cái bàn con con, bày xuềnh xoàng vài ba cái bánh, hộp kẹo lạc và mấy chai nước ngọt. Có quán, bà mẹ vừa bán hàng, tay này cho con ăn, tay kia lau nước mũi cho đứa bé hơn!

Người nghèo là tôi đây khi ra nước ngoài cũng sẵn sàng bỏ ra 160 peso (50.000 đồng) để ăn một bát phở (mặc dù mua gì cũng cố mặc cả). Quán phở Bắc nằm gần Trung tâm báo chí do một Việt kiều mở nhưng đội quân phục vụ là người bản địa. Bước vào quán chỉ nửa bước chân là đã thấy quê hương vì cách trang hoàng, bài trí đậm nét Việt Nam. Thực đơn ghi bằng tiếng Việt không dấu (kèm tiếng Anh) cực kỳ phong phú: Nem, goi cuôn (gỏi cuốn), thit kho tau (thịt kho tàu), pho tai (phở tái), pho ga (phở gà)… Tôi gọi món phở tái và thưởng thức ngon lành trong khi anh bạn đồng nghiệp Đỗ Tuấn - báo Sài Gòn Giải Phóng thì kêu chán om xòm. Quay sang bàn bên cạnh, mấy bà già người Philippines người to béo đẫy đà đã ăn hết một tô phở to đùng còn gọi thêm suất cơm gà cho… chắc dạ.

Vào khách sạn xin mời giở hành lý

Cách đây ba hôm, báo chí Philippines đưa tin 9 cảnh sát bị bắn chết trong một cuộc phục kích khi đang trên đường triển khai công tác bảo vệ an ninh SEA Games 23 tại Cebu và Bacolod. Mặc dù hai địa điểm trên cách rất xa Manila nhưng hung tin này khiến mọi người kinh sợ phát khiếp, nhất là người hay đi lại một mình như tôi. Hôm có tin, sáng đi chẳng sao, tối về đứng án ngữ ngay ở cửa khách sạn là hai cảnh sát, một người là sếp đứng chỉ đạo người còn lại khám hành lý của khách. Mấy cô em xinh đẹp làm “nghề” ở phố Mabina cũng không thoát, muốn vào bất kỳ khách sạn nào cũng phải chìa chiếc túi bé đựng mỹ phẩm ra để anh cảnh sát đẹp trai kiểm tra. Đây là tháng cao điểm cho SEA Games, cẩn thận như thế là tốt!

Trưa 23/11, các phóng viên VN và Thái Lan ra sân bay đón các đội tuyển sang. Khác hẳn với hôm đi cùng đội bóng đá U.23 nam, phóng viên được tự do tác nghiệp, chẳng ai cấm đoán. Nhưng hôm qua thì cảnh sát đứng vòng trong vòng ngoài, không cho báo giới và bất kỳ ai lai vãng vào khu VIP. Nếu vào phải có thẻ riêng của BTC. Vấn đề an ninh được siết chặt mọi chỗ mọi nơi nhưng cái cách “siết chặt” của nước bạn khiến người ta cảm thấy khá dễ chịu. Cảnh sát niềm nở và tận tâm đến mức không thể niềm nở và tận tâm hơn!

Tiếp cận Tổng thống Philippines: Dễ dàng!

Chiều 22/11, tôi được báo tin 16h Tổng thống Philippines Arroyo sẽ đến thị sát Quảng trường Quirino Grandstand. Nhìn đồng hồ đã chỉ sang 15h30. Phi ra khỏi cổng Trung tâm báo chí, bắt taxi (mà không thèm hỏi giá tiền) và yêu cầu bác tài đi thật nhanh. Phù! Vừa kịp! Xe Tổng thống đến đúng lúc tôi đến. Một cảnh sát nữ khám người tôi rồi mời tôi đứng vào hàng ngũ báo chí. Máy ghi âm, máy ảnh được dán một tấm giấy riêng của BTC. Đi làm báo, bé nhỏ như tôi chưa chắc đã là điều thiệt thòi. Bằng chứng là tôi chẳng bị phóng viên Philippines nào… ấn đầu hay cằn nhằn vì đứng trước máy ảnh hay máy quay của họ. Không những thế khi tôi tìm cách tiếp cận Tổng thống Arroyo, 4 nữ vệ sĩ của bà còn… mỉm cười nữa chứ! Tất nhiên thời gian mà Tổng thống đến thị sát rất ngắn nên các phóng viên chỉ chụp được ảnh. Phóng viên duy nhất đứng gần bà là tôi cũng chỉ kịp nói một câu: “Chúc Philippines tổ chức thành công SEA Games 23!”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.