Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng (Lào Cai), sự việc xảy ra vào 26 - 27.10, sau khi 3 gia đình ở 2 xã Phong Hải và Xuân Quang, huyện Bảo Thắng mua và ăn một loại củ rừng. Củ rừng này được các gia đình mua tại chợ Cốc Lầu và thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai của huyện Bắc Hà về nấu canh. Đây là loại củ có kích thước lớn (khoảng 5 kg), bên ngoài có nhiều lông trông giống củ từ, mọc hoang dại trên rừng nên người dân thường gọi là củ từ rừng.
Sau khi ăn phải loại củ trên, các bệnh nhân thường có chung biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn kèm theo tê lưỡi và tê bì đầu ngón tay chân.
Lào Cai là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với các tập tục và thói quen thu hái các loại củ, quả rừng về làm thức ăn. Do nhiều loại củ rừng có đặc điểm hình thái giống nhau nên người dân dễ nhầm lẫn giữa các loại củ ăn được và không ăn được và gây ra những vụ ngộ độc đáng tiếc như trên.
Để phòng tránh các sự cố tương tự, cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại động, thực vật lạ, các loại củ, quả rừng mà chưa biết rõ; sau khi ăn nếu có biểu hiện không tốt về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Theo số liệu thống kê, năm 2020 ghi nhận 49 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên tại một số tỉnh thành. Thực phẩm có độc tố tự nhiên là loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc. Độc tố tự nhiên có trong một số loài thực vật, động vật như: nấm, sắn, rau muống biển, rau rừng, cóc, cá nóc,...) Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn.
Một số khuyến cáo để phòng ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường gặp gồm: không ăn cá nóc dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả đã đun chín, phơi khô, sấy, làm mắm… Không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại…
Bình luận (0)