|
Nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với hình thức bác sĩ gia đình được các cơ sở y tế nêu ra là do những bất cập trong việc triển khai, chi trả bảo hiểm y tế (BHYT).
Đây là vấn đề được nêu ra trong buổi giám sát của Ban Văn hóa và Xã hội, HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện công tác y tế dự phòng trên địa bàn quận Gò Vấp vào ngày 23.10.
Cụ thể, quận Gò Vấp có 7 trạm y tế phường đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Trong đó, đã có 5 trạm y tế triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình từ tháng 3.2014 (với 8 bác sĩ gia đình hoạt động). Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng quận là đơn vị quản lý trạm y tế lại không có chức năng khám chữa bệnh. Vì vậy khi triển khai bác sĩ gia đình, các trạm y tế phải thông qua bệnh viện quận để ký hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội TP để chi trả BHYT ban đầu cho người dân, gây nhiều khó khăn, phức tạp.
Chính những bất cập trong thực hiện BHYT này đã làm người dân ngại khám chữa bệnh ở bác sĩ gia đình, tác động xấu đến việc triển khai mô hình này. Sau 7 tháng hoạt động, 5 phòng khám bác sĩ gia đình của quận Gò Vấp chỉ tiếp nhận và làm hồ sơ bệnh án được 9 bệnh nhân.
Theo các trưởng trạm y tế, nếu tình trạng trên tiếp diễn, nguy cơ sụp đổ của mô hình bác sĩ gia đình tại quận Gò Vấp chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong khi bác sĩ gia đình đang là đề án được Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đẩy mạnh triển khai nhằm mục tiêu quan trọng là việc khám, điều trị và quản lý sức khỏe người dân mang tính hệ thống, liên tục, giảm tải áp lực điều trị cho các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp, mặc dù với nhân sự hạn chế nhưng trong 9 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng quận đã triển khai nhiều hoạt động xử lý các ổ dịch, tuyên truyền, phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, Ebola…
Qua đó, bà Lê Thị Kim Hạnh, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đề nghị TP cần đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Y tế dự phòng quận, nâng chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế dự phòng; đặc biệt triển khai khám chữa bệnh BHYT cho các trạm y tế phường xã nhằm tạo điều kiện để cứu vãn và phát triển mô hình bác sĩ gia đình, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa và Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết sẽ góp ý và xem xét các biện pháp hỗ trợ phát triển hệ thống y tế dự phòng trong thời gian tới. Đồng thời, ông Hùng cũng khẳng định cần tạo điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện đề án bác sĩ gia đình và khám BHYT ở các phường, xã để giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Nguyên Mi
>> Thí điểm mô hình bác sĩ gia đình trên 8 tỉnh, thành
>> Ra mắt chương trình Bác sĩ gia đình
>> 8 tỉnh thành triển khai mô hình bác sĩ gia đình
>> Triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại Bệnh viện quận Gò Vấp
Bình luận (0)