Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM, cho biết từ năm 2015 đến nay, VN là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN. Dự kiến, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử sẽ vượt ngưỡng 70 tỉ USD. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi các DN ngoại xuất khẩu chủ lực thì DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công. Bà Tuệ Anh dẫn chứng, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 với trị giá hơn 34 tỉ USD thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 99,8%.
Theo bà Vũ Thị Thanh Huyền, giảng viên Trường ĐH Thương mại, về cơ cấu sản phẩm ngành điện tử VN, sản phẩm thuộc nhóm điện tử dân dụng chiếm đến 80%, chỉ 20% thuộc nhóm điện tử chuyên dụng, đồng thời, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 20 - 30%. Hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn. Trong số 80% sản phẩm điện tử dân dụng, vai trò tham gia thực sự của các DN trong nước rất mờ nhạt.
Đánh giá về quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử VN, ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhìn nhận ngành phát triển không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử VN mất cân đối nghiêm trọng. "Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được được lắp ráp hoặc sản xuất tại VN, điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với số doanh thu chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Trong một thời gian dài ở VN đã có quá nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này", ông Anh cho biết.
tin liên quan
Thanh toán di động sẽ bùng nổ tại Việt NamỦy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tỉ phú Jack Ma - nhà sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, cùng nhiều đại diện trong ngành công nghệ đã hội tụ tại Diễn đàn thanh toán điện tử 2017 diễn ra vào hôm qua ở Hà Nội.
Bình luận (0)