Về lý thuyết dịch có thể xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, nhưng thống kê nhiều năm qua cho thấy bệnh tay chân miệng tập trung ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là nhóm tuổi học sinh mầm non. Tuy nhiên ở mùa dịch năm nay, có những bệnh nhân là nam thanh niên khỏe mạnh, thậm chí có trường hợp bệnh nhân tay chân miệng đã 73 tuổi.
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng |
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các khu vực có dịch nên nhanh chóng thực hiện khử khuẩn bề mặt và dụng cụ bằng dung dịch chloramine B 2% hoặc các dung dịch khử trùng khác.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, mười bệnh lây nhiễm có tỉ lệ mắc cao nhất ở VN năm 2010 là hội chứng cúm, tiêu chảy, hội chứng lỵ, dại, bệnh do virut adeno, sốt rét, quai bị, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi; năm bệnh dại, viêm não virut, liên cầu lợn, hội chứng lỵ, tiêu chảy có tỉ lệ tử vong cao nhất năm 2010.
* Ngày 26-7, nguồn tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã có tới 297 bệnh nhi tại 20/27 huyện, thị xã, thành phố của Thanh Hóa mắc bệnh tay chân miệng, nhiều nhất là ở huyện Triệu Sơn (126 trẻ), TP Thanh Hóa (52 trẻ)...
Ông Lê Tất Hải - giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - cho biết thêm do sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tay chân miệng, nên từ đầu tháng 7 đến nay, số lượng bệnh nhi nhập viện khám và đến điều trị tại các cơ sở y tế tăng cao đột biến. Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa còn 81 bệnh nhi đang điều trị bệnh này.
Sau khi có hai bệnh nhi ở xã Triệu Thành (huyện Triệu Sơn) tử vong do bệnh tay chân miệng vào ngày 13 và 14- 7, số lượng trẻ vào viện khám, điều trị bệnh này tăng đột biến. Tuy có nhiều diễn biến phức tạp nhưng dịch bệnh tay chân miệng ở Thanh Hóa vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế địa phương.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)