8 câu hỏi phụ nữ cần biết về ung thư cổ tử cung

25/10/2014 08:00 GMT+7

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư phổ biến hàng thứ 4 trong số các bệnh ung thư, có tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 5.000 ca mắc mới và 2.600 ca tử vong, thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi. Bài viết này cung cấp cho các bạn những kiến thức đáng lưu ý về UTCTC, để cùng nhau ngăn ngừa bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân của UTCTC?

Hơn 99% các trường hợp UTCTC là do nhiễm Human Papillomavirus (HPV). Có hơn 100 chủng HPV khác nhau, trong đó có 14 chủng được xem là nguy cơ cao, chủng HPV 16 và 18 là hai chủng nguy cơ cao nhất và là nguyên nhân của 70% các trường hợp UTCTC. Phụ nữ nhiễm HPV 16 và/hoặc 18 có nguy cơ tiến triển thành tiền UTCTC cao gấp 35 lần so với những người không nhiễm HPV.

Bạn bị nhiễm HPV như thế nào?

Nhiễm HPV qua quan hệ tình dục, kể cả quan hệ bằng miệng hoặc tiếp xúc với bộ phận sinh dục của người bị nhiễm HPV. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể nhiễm HPV - ngay cả khi bạn chỉ có một bạn tình hay ngay cả khi bạn sử dụng bao cao. HPV có thể tồn tại trong cơ thể đến hơn 10 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi tiền ung thư hình thành và tiến triển nặng, do đó bạn có thể nhiễm vi rút từ nhiều năm trước mà không hay biết.

Vậy HPV có thể sàng lọc được?

Nhiễm HPV thường không có triệu chứng, do đó cách duy nhất phụ nữ có thể biết mình bị nhiễm vi-rút hay không là thông qua xét nghiệm. Xét nghiệm HPV DNA có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm các chủng HPV nguy cơ cao, đặc biệt là HPV chủng 16 và 18, nhờ vậy phát hiện nguy cơ  UTCTC  ngay từ trước khi tế bào cổ tử cung có biến đổi bất thường, giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn tiền ung thư lên đến 98%.

Ai cần được sàng lọc UTCTC với xét nghiệm HPV DNA?

Trong thực tế, 4 trong số 5 phụ nữ có thể nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong đời, ngay cả khi cô ấy chỉ có một bạn tình. Phụ nữ hơn 30 tuổi, đã có quan hệ tình dục thường có nguy cơ cao, nên cần làm xét nghiệm HPV DNA để sàng lọc UTCTC.

Tôi đã làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) vậy có cần xét nghiệm HPV?

Xét nghiệm Pap là công cụ hữu ích trong sàng lọc UTCTC, Pap phát hiện các tế bào thay đổi bất thường ở cổ tử cung. Tuy nhiên vẫn có thể bỏ sót một số trường hợp ung thư.

Xét nghiệm HPV DNA  cho kết quả gộp về 12 chủng nguy cơ cao và kết quả riêng về hai chủng HPV nguy cơ cao nhất, HPV 16 và HPV 18, cho phép bác sĩ đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp để ngăn chặn phát triển thành ung thư.

Kết hợp Pap và xét nghiệm HPV làm tăng khả năng phát hiện các tổn thương tiền ung thư, UTCTC. Nếu cả hai xét nghiệm Pap và HPV có kết quả bình thường, thì sau 5 năm mới cần thực hiện sàng lọc lại.

Nếu tôi có kết quả HPV 16 hoặc 18 dương tính, có phải là tôi bị UTCTC?

Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với HPV 16 và/hoặc HPV 18 cũng không có nghĩa là hiển nhiên bạn bị UTCTC; tuy nhiên nó có nghĩa là bạn có nguy cơ cao phát triển bệnh 

Tôi đã tiêm phòng HPV, tôi có cần xét nghiệm?

Vaccin HPV phòng ngừa nhiễm HPV 16 và HPV 18, ngừa được 70% khả năng bị ung thư, Vaccin HPV cũng không chữa khỏi bệnh khi đã bị nhiễm. Do đó ngay cả khi đã tiêm phòng, các chuyên gia vẫn khuyến cáo phụ nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ (trong đó có xét nghiệm HPV).

Tôi có thể xét nghiệm HPV ở đâu?

Hãy trao đổi với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ phụ khoa của bạn để được làm xét nghiệm phát hiện HPV nguy cơ cao, đặc biệt là chủng HPV 16 và 18.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, Bệnh viện Hùng Vương (TP. HCM) đã phối hợp cùng Công ty TNHH Roche Việt Nam đưa vào hoạt động Phòng tư vấn UTCTC nhằm giúp chị em phụ nữ hiểu biết hơn về căn bệnh này và hành động ngay để phòng ngừa.

Cán bộ y tế sẽ tư vấn trực tiếp hoàn toàn miễn phí tại Phòng Tư vấn, Lầu 1, Khoa khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương từ 9g00 đến 12g00 vào các ngày Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 6 hàng tuần.

M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.