8 năm tới chúng ta không ngày 30 tết Giao thừa, chỉ có ngày 29: Vì sao?

21/01/2024 17:32 GMT+7

Đến tận năm 2033 (dương lịch), tức sau 9 năm kể từ Tết Nguyên đán 2024, người Việt Nam mới đón giao thừa ngày 30 tết. Vì sao vậy?

Mới đây, mạng xã hội ào ạt chia sẻ thông tin thú vị về âm lịch, rằng sau ngày 30 tháng chạp năm nay (Quý Mão), phải đợi đến 9 năm nữa, đến năm Nhâm Tý 2033 người Việt mới có thể "gặp lại" ngày 30 tết. Bởi các năm ở giữa giai đoạn này chỉ có giao thừa đêm 29 tháng chạp.

Thông tin này đã nhanh chóng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội Việt Nam, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị trước thông tin này, cũng có người dò thử xem thông tin có đúng hay không.

8 năm tới chúng ta không ngày 30 tết Giao thừa, chỉ có ngày 29: Vì sao?- Ảnh 1.

Sau ngày 30 tháng chạp năm Quý Mão 2023, phải đợi đến 9 năm nữa, đến năm Nhâm Tý 2032 người Việt mới có thể "gặp lại" ngày 30 tết.

HUY HYUNH

Tài khoản Chàng ngốc miền Tây bình luận, ngạc nhiên: "Mở lịch ra xem y như vậy luôn. Đúng 9 năm nữa mới có ngày 30 tết". "Đây thực sự là một thông tin thú vị. Nhưng dù đón tết vào ngày nào, chỉ cần sum họp, đoàn tụ bên gia đình là tuyệt vời rồi", nickname Nguyễn Thanh Vinh bày tỏ.

"Vậy là ngày 30 tết năm nay quý lắm nha! Gần 10 năm sau không biết lúc đó mình sẽ như thế nào. Thôi tận hưởng tết năm nay, chúc mọi người cố gắng làm việc chuẩn bị đón một cái tết thật vui!", Tý Nhỏ bày tỏ.

Là sự trùng hợp hay quy luật của lịch?

Trao đổi với Thanh Niên, anh Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết những thông tin nói trên được mạng xã hội chia sẻ là chính xác.

Anh Lộc cho biết nhiều người vẫn lầm tưởng rằng độ dài một tháng âm lịch được quy ước giống như tháng dương lịch, trong khi thực ra nó phụ thuộc vào thực tế. Đó vừa là yếu tố phi quy ước và khó dự tính, nhưng cũng vừa là yếu tố quan trọng đảm bảo tính chính xác của âm lịch nước ta, vượt trội hơn các loại âm lịch quy ước khác trên thế giới.

Nhà nghiên cứu cho biết một tháng âm lịch phải theo sát sự thay đổi pha của mặt trăng từ không trăng, trăng lưỡi liềm, trăng bán nguyệt, trăng khuyết, trăng tròn và ngược lại. Mỗi tháng bắt đầu vào ngày không trăng, tức là ngày mà mặt trăng ở cùng phía với mặt trời. Thời điểm này được gọi là điểm sóc và nó rơi vào ngày nào thì ngày đó sẽ là ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch.

8 năm tới chúng ta không ngày 30 tết Giao thừa, chỉ có ngày 29: Vì sao?- Ảnh 2.

Theo chuyên gia, việc liên tục các năm âm lịch không có ngày 30 tết chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

CAO AN BIÊN

Thời gian từ điểm sóc này tới điểm sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng. Đó là do quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời và quỹ đạo của mặt trăng quanh trái đất là hình bầu dục chứ không tròn, nên tốc độ di chuyển của mặt trời và mặt trăng trên bầu trời không đều, khiến cho thời gian để chúng gặp lại nhau (gọi là giao hội) hàng tháng không bằng nhau.

Theo đó, tuần trăng dài trung bình 29 ngày 12 giờ 44 phút và dao động hơn kém giá trị này tới 7 tiếng đồng hồ. Hệ quả là từ điểm sóc này (tính là ngày mùng 1) tới điểm sóc tiếp theo có thể rơi vào ngày thứ 30 hoặc sang ngày thứ 31. Ngày này trở thành ngày mùng 1 tháng tiếp theo và tháng trước đó tương ứng sẽ có 29 hoặc 30 ngày (gọi là tháng thiếu hoặc đủ).

Dưới đây là bảng so sánh độ dài tuần trăng tháng chạp của 10 năm liên tiếp tính từ năm nay. Có thể thấy độ dài tuần trăng dao động nhưng vì điểm sóc xảy ra sớm trong ngày mùng 1 tháng chạp nên điểm sóc tháng giêng tiếp sau vẫn nằm gọn trong ngày thứ 30 tính từ ngày đó. Ngày thứ 30 này trở thành ngày mùng 1 tết và tháng chạp dừng lại vào ngày 29 liền trước đó.

8 năm tới chúng ta không ngày 30 tết Giao thừa, chỉ có ngày 29: Vì sao?- Ảnh 3.

Từ năm Giáp Thìn 2024 liên tục tới năm Tân Hợi âm lịch 2031 không có 30 tháng chạp.

ANH PHẠM VŨ LỘC

Theo anh Lộc, với trình độ tính toán ngày nay, độ chính xác của các thông số có thể vượt qua hàng giây. Việc độ dài tuần trăng và điểm sóc thay đổi từng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên không thể định ra quy luật mà phải tính toán chính xác theo thực tế mỗi tháng. Không riêng gì tháng chạp, tháng âm lịch nào cũng có thể thiếu hoặc đủ.

Do đó, việc 8 năm liên tục tháng chạp thiếu cũng chỉ là một sự trùng hợp, không hề mang tính quy luật của lịch pháp. Hơn nữa, âm lịch đã được sử dụng lâu đời ở nước ta từ xưa đến nay, hiện tượng này không có gì đặc biệt. Ví dụ như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020) liên tiếp 5 năm có tháng chạp đủ.

“Tết Nguyên đán nước ta có ngày trừ tịch là ngày cuối cùng của năm cũ. Ngày này thường được dân gian gọi nôm na là ngày 30 tết. Tuy vậy, như đã giải thích ở trên, ngày cuối năm không nhất thiết là ngày 30 tháng chạp mà còn có thể là ngày 29. Dù đó là ngày 29 hoặc 30 thì cũng không ảnh hưởng gì đến các phong tục tết cổ truyền vẫn được nhân dân ta lưu truyền và thực hành hàng năm”, anh Lộc nhận định.

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy sao khi gần 1 thập kỷ nữa mới có 30 tết?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.