8 ngày sau vụ sập hầm, Ấn Độ vẫn chưa cứu được 41 công nhân

20/11/2023 22:08 GMT+7

Lực lượng cứu hộ ở Ấn Độ ngày 20.11 tiếp tục tìm cách giải cứu 41 người bị mắc kẹt trong một đường hầm bị sập 8 ngày trước, sau khi liên tiếp thất bại trong các nỗ lực trước đó.

Các máy xúc đã di chuyển đất đá, bê tông khỏi đường hầm đường bộ đang được xây dựng ở bang Uttarakhand phía bắc Ấn Độ kể từ ngày 12.11, sau khi một phần đường hầm bị sập. Tuy nhiên, các nỗ lực cứu hộ đã bị cản trở do đất đá liên tục rơi xuống cũng như sự cố liên tiếp của các máy khoan hạng nặng, khiến lực lượng không quân phải hai lần vận chuyển thiết bị mới đến hiện trường bằng đường hàng không.

Theo AFP, các kỹ sư đã cố gắng đưa một ống thép rỗng xuyên qua khu vực bị sập theo phương nằm ngang. Ống thép này vừa đủ rộng để những người mắc kẹt có thể chui vào và bò ra ngoài, xuyên qua một đoạn đường dài ít nhất 57 mét vốn đã bị đất đá bịt kín.

Song việc khoan xuyên đất đá theo hướng đó đã phải tạm dừng hôm 17.11, sau khi một tiếng nứt lớn tạo ra "tình huống hoảng loạn", theo các quan chức.

8 ngày sau vụ sập hầm, Ấn Độ vẫn chưa cứu được 41 công nhân - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường ngày 19.11

REUTERS

Các đội đang chuẩn bị đào một đường thông mới để đưa ống thép xuống từ trên cao, buộc các công nhân phải xây dựng một tuyến đường hoàn toàn mới chạy lên đến đỉnh ngọn đồi phía trên để chứa các thiết bị nặng cần thiết. Các quan chức ước tính đường thông dự kiến sẽ cần sâu đến 89 mét để có thể tiếp cận được những người mắc kẹt.

"Mọi nỗ lực đang được thực hiện", Thủ hiến bang Uttarakhand Pushkar Singh Dhami cho biết trong một tuyên bố hôm 20.11, đồng thời khẳng định "các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm hiện đều an toàn". Ông cho biết ông đã trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về sự việc.

Lực lượng cứu hộ đã liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt bằng vô tuyến, trong khi thực phẩm, nước, oxy và thuốc men cũng được chuyển đến họ thông qua một đường ống hẹp.

Ông Anshu Manish Khalkho, giám đốc công ty cơ sở hạ tầng và đường cao tốc NHIDCL của chính phủ, hôm 20.11 cho biết họ đã lắp đặt thành công một đường ống có đường kính hơn 15 cm, cho phép vận chuyển được nhiều thực phẩm hơn.

Các chuyên gia nước ngoài đã được huy động, trong đó có nhà điều tra thảm họa độc lập Arnold Dix, Chủ tịch Hiệp hội Không gian dưới đất và Đường hầm Quốc tế.

"Chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp và đưa họ ra ngoài... Điều quan trọng là không chỉ những người cần được giải cứu mà cả những người đang thực hiện công việc giải cứu đều phải an toàn", ông Dix cho hay.

Đường hầm bị sập là một phần trong dự án cơ sở hạ tầng của Thủ tướng Modi nhằm giảm thời gian di chuyển giữa một số địa điểm Hindu giáo nổi tiếng nhất ở nước này, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực chiến lược giáp với Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.