Bán hệ thống 19 siêu thị trải dài ở các vị trí đất vàng trên khắp VN cho đối tác nước ngoài với giá trị gần 900 triệu USD nhưng chỉ đến phút chót phía VN mới biết. METRO đang muốn che giấu điều gì qua phi vụ bí ẩn này?
VN chỉ biết METRO được bán đi vào phút chót - Ảnh: D.Đ.Minh |
Trong thương vụ mua lại METRO ở VN, tỉ phú Thái Lan đã bỏ ra tới 655 triệu euro (xấp xỉ 18,7 nghìn tỉ đồng). Đây là một thương vụ hời so với một thương vụ khác của chính METRO vào cuối năm 2012. Khi đó, Tập đoàn METRO bán chuỗi 91 đại siêu thị Real tại Đông u (Ba Lan, Romania, Nga và Ukraine) cho Auchan (tập đoàn bán lẻ của Pháp đồng thời là đối thủ nặng ký của METRO) với giá 1,1 tỉ euro, bao gồm cả mặt bằng và cửa hàng. Năm 2011, chuỗi siêu thị này có doanh số tới 2,6 tỉ euro trong khi cả hệ thống METRO tại VN đạt doanh số hơn 500 triệu euro. Như vậy, dù doanh số cao gấp 5 lần, số chuỗi siêu thị cao gấp gần 5 lần nhưng giá bán chỉ cao hơn chưa tới 2 lần so với METRO VN. Vậy tại sao tỉ phú Thái Lan lại sẵn sàng mua lại METRO với giá 655 triệu euro?
Loại nhà đầu tư nội
|
Điều đáng nói là vụ sang nhượng hệ thống bán sỉ lớn nhất VN, được hưởng nhiều ưu đãi của nước sở tại nhưng lại diễn ra gần như bí mật giữa 2 nhà đầu tư nước ngoài. Phía VN hầu như không được biết tới, kể cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) trong nước. Điều này cho thấy METRO không hề có ý định chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nội.
Lãnh đạo một DN lớn trong nước cho rằng, việc loại các DN trong nước của METRO là nhằm né tránh kiểm soát những nghi án chuyển giá từ cơ quan chức năng. Thậm chí, nghi án sang nhượng "bí kíp" chuyển giá cho đối tác cũng đã được nhiều người đặt ra bởi không một nhà đầu tư nào lại bỏ ra số tiền lớn để mua lại một công ty với tiền sử thua lỗ kéo dài hơn chục năm như "lý lịch" hoạt động của METRO tại VN.
Nghi án này càng được củng cố hơn khi thông tin cho thấy giá khởi điểm ban đầu của vụ sang nhượng này chỉ bằng 1/2 so với mức giá thỏa thuận cuối cùng. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đặt vấn đề: Chủ DN Thái Lan mua lại METRO là người gốc Trung Quốc và liệu có chiến lược gì đằng sau trong thương vụ này ở VN?
Làm rõ việc chuyển đất vàng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Trong các thương vụ mua bán, sáp nhập, DN thường giữ kín mà không có trách nhiệm thông báo rộng rãi. Nhưng với METRO, họ đang kinh doanh và đầu tư ở VN, được hưởng nhiều ưu đãi và sử dụng nhiều đất đai, họ phải có nghĩa vụ thông báo với phía VN và ý kiến của cơ quan quản lý.
“Tôi biết rằng, trong các liên doanh giữa VN và nước ngoài, khi phía nước ngoài muốn bán cổ phần thì phải ưu tiên cho các DN VN. Một khi các DN trong nước không muốn mua lại thì mới bán cho nước ngoài. Trước đây, một hãng dầu nhớt bán cổ phần trong liên doanh VN, họ cũng thông báo rộng rãi nhưng các công ty trong nước không mua lại thì hãng này mới bán cho Ấn Độ. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu họ muốn bán công ty ở VN, cơ quan quản lý cần phải buộc họ làm tương tự chứ không thể khi vào VN được hưởng biết bao ưu đãi, đến lúc bán thì lại bán cho nước ngoài. Các cơ quan quản lý VN, nhất là nhà quản lý đầu tư nước ngoài, cũng cần phải trả lời cho dư luận biết rõ, METRO đã báo cáo về việc bán DN ở VN như thế nào. Không thể có chuyện bán một hệ thống siêu thị ở ngay VN lên tới tỉ USD mà như bán một món hàng ngoài chợ được”, bà Lan bức xúc.
|
Trong khi đó, theo quan sát của TS Nguyễn Minh Phong thì “METRO khi vào VN đã có ý định bán dự án, họ có chiến lược rút lui rõ ràng nên triển khai rất nhiều dự án. Họ cũng xây các dự án một cách sơ sài, không kiên cố, chỉ toàn là tôn để nhanh khấu hao. Và giờ là thời điểm tốt nhất để METRO bán dự án của mình sau khi VN mở cửa cho thị trường bán lẻ”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải biết METRO thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư Thái kế tục như thế nào. Như vậy, các nhà quản lý VN có thể siết ngay quyền sử dụng đất. Không có chuyện thu thuế trong 30 hay 50 năm mà phải thu theo từng năm một”. Ông Phong cũng cho rằng, việc chưa có quy định buộc các nhà đầu tư nước ngoài đã hưởng ưu đãi của VN khi bán dự án phải tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng là một kẽ hở của luật pháp. Nếu có thông báo về việc bán DN thì các nhà đầu tư trong nước sẽ rộng cửa tham gia vào dự án, chứ không có chuyện dự án đã bán rồi VN mới biết.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng kêu gọi cơ quan chức năng cần phải làm rõ hoạt động chuyển nhượng các mặt bằng của METRO cho đối tác Thái Lan. Bởi trong khi DN trong nước muốn tìm 1/10 diện tích đất như của METRO cũng gặp rất nhiều khó khăn thì tập đoàn này đã nhanh chóng có được những mặt bằng đẹp lên đến hàng ngàn mét vuông. “Người VN ở nước ngoài khi muốn mua nhà, thuê nhà tại VN cũng phải chờ có quy định cụ thể và mất bao nhiêu thời gian, thủ tục thì không thể có chuyện METRO vào thuê các mặt bằng tốt rộng hàng ngàn mét vuông rồi muốn chuyển nhượng cho ai sử dụng cũng được. Điều này quá phi lý”, ông Thành nói.
Thanh tra thuế vào cuộc Trao đổi với Thanh Niên chiều 22.8, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết Thanh tra của Tổng cục đang được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ thương vụ chuyển nhượng của Công ty METRO Cash & Carry VN (METRO) để thu thuế chuyển nhượng vốn của công ty này. Theo ông Tuấn, quy định hiện tại cho phép DN được tự khai, tự tính và tự nộp thuế, đến cuối năm thực hiện thủ tục quyết toán với cơ quan thuế. Tuy nhiên, liên quan đến thương vụ mua bán này do phát sinh giao dịch chuyển nhượng nên phải thu thuế chuyển nhượng vốn. Hiện thanh tra của Tổng cục được giao xem xét, giám sát đưa ra phương án “đánh” thuế theo nguyên tắc giá chuyển nhượng bao nhiêu trừ đi vốn trong quá trình đầu tư, chi phí chuyển nhượng vốn, chi phí thuê tư vấn đàm phán. Tất cả phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, sau khi trừ đi số còn lại sẽ phải nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Anh Vũ |
Mai Phương - N.Trần Tâm
>> 870 triệu USD và phi vụ ma mãnh của METRO - Kỳ 1
Bình luận (0)